Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang không ngừng xôn xao về diễn biến và kết quả của những phiên đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm.
Bối cảnh nguồn cung khan hiếm
Theo đó, vào ngày 10-8, huyện Thanh Oai đã tổ chức thành công phiên đấu giá đất với 68 thửa đất (khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội), có diện tích từ 60-85m2 với giá khởi điểm từ 8,6-12,5 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá đã thu hút được 4.600 hồ sơ nộp tham gia, nhưng chỉ có 4.201 hồ sơ đủ điều kiện của 1.545 người.
Đáng chú ý, kết thúc phiên đấu giá, lô góc có giá trúng cao nhất là gần 100 triệu đồng/m2, gấp tám lần so với giá khởi điểm. Các lô thường có giá trúng 63-80 triệu đồng/m2, gấp 5-6,4 lần so với giá khởi điểm.
Tiếp đó ngày 19-8, phiên đấu giá đất với 19 lô đất tại khu LK04 (thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) tiếp tục thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân. Với 19 thửa đất được đưa ra đấu giá có diện tích khoảng 74m2 - 118m2, giá khởi điểm đấu giá 7,3 triệu/m2.
Khoản tiền đặt cọc dao động từ 109 - 172 triệu đồng/lô đất. Sau cuộc đấu giá kéo dài 19 giờ, 19 lô đất được bán thành công. Mức giá trúng cao nhất lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp 30 lần so với giá khởi điểm, trong khi lô thấp nhất cũng tới 91,3 triệu đồng/m2, cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm.
“Diễn biến và kết quả các phiên đấu giá đất này vừa bất thường, lại vừa bình thường. Số lượng người tham gia đấu giá lớn tại những cuộc đấu giá đất vừa diễn ra là hoàn toàn bình thường. Còn mức giá trúng quá cao lại "bất thường" - diễn ra khác với bình thường, khác với thông lệ, nhưng vẫn phần nào phản ánh thực tế bình thường nhu cầu đầu tư của người dân trong bối cảnh nguồn cung đất "sạch" khan hiếm”, báo cáo tuần mới nhất của VARS nêu.
VARS lý giải
Thứ nhất, thời gian tới, chắc chắn dòng tiền sẽ "đổ" về loại hình đất đấu giá, tại các khu đô thị, khu dân cư khi các địa phương tổ chức nhiều phiên đấu giá để đẩy mạnh nguồn thu ngân sách. Bởi đây là loại hình đất sạch, không dính đến tranh chấp kiện tụng, đã có sổ đỏ, hạ tầng, sẵn sàng xây nhà để kinh doanh, cho thuê, thu về dòng tiền hàng tháng.
Theo VARS, đấu giá đất có sức hút trong bối cảnh vài năm gần đây khi Hà Nội gần như không có dự án mới, nguồn cung đất nền được dự báo cũng sẽ ngày càng khan hiếm. Đặc biệt, khi Luật Kinh doanh BĐS mới cấm phân lô, bán nền tại 105 TP và thị xã, buộc các doanh nghiệp phải xây dựng nhà trên đất để bán tại các khu vực này. Trong khi nhu cầu mua bất động sản (BĐS), bao gồm cả nhu cầu mua để ở và đầu tư trong dân rất mạnh và đang không ngừng tăng.
Thứ hai, mức giá tăng hàng chục lần, nghe rất bất thường nhưng thực tế là do mức giá khởi điểm đất đấu giá thấp.
Cụ thể, trước đây, quy định xác định giá đất cho phép thuê tư vấn đất đấu giá tại phiên đấu giá ngày 10-8, tại huyện Thanh Oai cũng đã được thuê tư vấn, tư vấn xác định khởi điểm từ 40-45 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, Nghị định 12 (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 44 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013), hiện hành là Nghị định 71 (Nghị định quy định giá đất, Chính phủ ban hành ngày 27/4/2024) đã bỏ quy định cho thuê tư vấn, chuyển sang xác định bằng hệ số K nhân với bảng giá đất của TP.
Trong khi theo Quyết định 46 ngày 18-7 của UBND TP Hà Nội, hệ số điều chỉnh giá đất của huyện Thanh Oai là 2,35. Bảng giá đất hiện còn hiệu lực được ban hành năm 2020 dao động trong khoảng 3,6 - 5,3 triệu đồng/m2. Do đó khi nhân 2 hệ số này với nhau, chỉ cho ra mức giá từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2.
“Để hoạt động đấu giá diễn ra minh bạch, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, Nhà nước cần sớm có thêm cơ chế kiểm soát hoạt động đầu cơ. Để giải bài toán đầu cơ, đẩy giá, thông qua đó kéo hạ giá nhà ở đô thị, phải thay đổi tư duy về nhà ở của người dân, để nhà ở là chỗ ở, giải quyết nhu cầu sinh sống của người dân chứ không phải là một tài sản tích lũy”, VARS nêu giải pháp.
Từ đó, VARS kiến nghị cần áp thuế, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua BĐS phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh.
Mức thuế có thể nâng cao dần với giao dịch BĐS mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn hay nếu chủ sở hữu BĐS không đưa BĐS tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất.