10 điểm mới đáng chú ý của Luật Đất đai sửa đổi

(PLO)- Cấp sổ hồng cho đất không giấy tờ trước ngày 1-7-2014, bổ sung các trường hợp Nhà nước thu hồi đất… là những điểm mới nổi bật của Luật Đất đai (sửa đổi).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 16 chương và 260 điều; nhiều hơn 2 chương, 48 điều so với Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, trừ quy định về hoạt động lấn biển, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) và nội dung sửa đổi Luật Lâm nghiệp.

Khi được hỏi luật lần này có bao nhiêu điểm mới, mang tính đột phá để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trên thực tế, đại diện Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì thẩm tra và chỉnh lý dự thảo cho biết “nếu liệt kê chi ly thì có hàng trăm điểm mới”.

Trong số đó, Pháp Luật TP.HCM xin được điểm lại 10 điểm mới đáng chú ý nhất của Luật Đất đai (sửa đổi).

1. Cấp sổ hồng cho đất không giấy tờ trước ngày 1-7-2014

Luật Đất đai (sửa đổi) dành Điều 138 quy định cụ thể việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (còn gọi là sổ hồng) đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ không có giấy tờ về quyền SDĐ mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền.

Quy định này chia ba trường hợp cụ thể được cấp sổ hồng với đất không giấy tờ, thay vì xem xét cấp sổ hồng cho đất sử dụng ổn định từ trước ngày 1 -7-2004 như Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 hiện nay, gồm:

Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân SDĐ trước ngày 18-12-1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.

Thứ hai, hộ gia đình, cá nhân SDĐ từ ngày 18-12-1980 đến trước ngày 15-10-1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.

Thứ ba, hộ gia đình, cá nhân SDĐ từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.

Đáng chú ý, luật bổ sung hai quy định mới hoàn toàn so với Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, Điều 139 quy định việc giải quyết đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân SDĐ có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1-7-2014.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh với các trường hợp có vi phạm pháp luật đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất phải thông qua quy trình, thủ tục chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm các điều kiện theo quy định tại điều này và các điều khác, pháp luật khác có liên quan.

Quy định còn lại liên quan đến việc cấp sổ hồng với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ được giao không đúng thẩm quyền (Điều 140).

p6-anhchinh-bai-LuatDatdai-quy.png
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi hôm 18-1. Ảnh: QH

2. Không lập bản đồ kế hoạch SDĐ hằng năm cấp huyện

Liên quan đến quy định về quy hoạch, kế hoạch SDĐ (Chương V), Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ.

Trong đó, tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch SDĐ thông qua việc tổ chức lấy ý kiến.

Để bảo đảm việc lấy ý kiến tránh hình thức, luật sửa đổi quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, đối tượng, thời gian, trách nhiệm giải trình, tiếp thu, công bố việc giải trình, tiếp thu đối với từng cấp quy hoạch.

Cụ thể, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm chủ trì lấy ý kiến của các tổ chức, cơ quan, cộng đồng, cá nhân có liên quan bằng nhiều hình thức; đồng thời phải có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến về quy hoạch, kế hoạch và phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch một cách đầy đủ, chính xác…

Một nội dung đáng chú ý khác là Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng không quy định bản đồ kế hoạch SDĐ hằng năm cấp huyện. Thay vào đó, chỉ xây dựng và cập nhật dữ liệu kế hoạch SDĐ hằng năm cấp huyện vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được quy định.

Đồng thời, quy định trong kế hoạch SDĐ hằng năm cấp huyện có danh mục các công trình, dự án dự kiến thực hiện trong năm; diện tích đất để đấu giá quyền SDĐ, các dự án thu hồi đất trong năm, dự án tái định cư, đất sản xuất dự kiến bồi thường cho người có đất bị thu hồi…

Một điểm mới nữa là Luật Đất đai (sửa đổi) đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; đồng thời giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực.

Cùng với đó là việc giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất tại khu kinh tế, khu công nghệ cao, cảng hàng không sân bay. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành chính để người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục.

3. 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua quy định Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp “thật cần thiết” để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Điều luật này liệt kê 31 trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất, đồng thời thêm một điều khoản “quét” quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc 31 trường hợp quy định tại điều này, Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Cụ thể, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông; công trình thủy lợi; công trình cấp nước, thoát nước; công trình xử lý chất thải; công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; công trình dầu khí; công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.

Nhà nước có thể thu hồi đất để xây dựng chợ dân sinh, chợ đầu mối; công trình tín ngưỡng - tôn giáo; xây dựng khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng; xây dựng trụ sở, văn phòng đại diện cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng cơ sở ngoại giao…

Hay thu hồi để xây dựng cơ sở văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở thể dục, thể thao được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động; thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, trừ trường hợp thỏa thuận về nhận quyền SDĐ; dự án nhà ở công vụ; dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trừ trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận chuyển nhượng quyền SDĐ cho chủ đầu tư để thực hiện dự án; thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao…

Nhà nước cũng thu hồi đất trong các trường hợp khác như thực hiện hoạt động lấn biển; dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn; nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu giữ tro cốt; các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư…

Trên số báo ngày mai (23-1), Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục giới thiệu những điểm mới khác của Luật Đất đai (sửa đổi).

65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết

Tại cuộc họp báo sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho hay thống kê sơ bộ có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và Chính phủ sẽ phải ban hành nghị định hướng dẫn.

“Chúng tôi mong Chính phủ ngay sau đây sớm có kế hoạch cụ thể triển khai thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) nên xác định chính xác số nghị định phải ban hành, cơ quan nào chủ trì, tham mưu soạn thảo” - ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng có những giải đáp liên quan đề xuất áp thuế cao với người có nhiều tài sản nhà đất. Ông Hiếu cho rằng đề xuất này nhằm hướng đến nâng cao hiệu quả SDĐ. Để thực hiện mục tiêu này thì không phải chỉ mình Luật Đất đai mà đòi hỏi phải có sự thay đổi nhiều chính sách, ví dụ chính sách thuế.

p6-anhbox-Phan-Duc-Hieu.png
Ông Phan Đức Hiếu Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế

“Nội dung này nằm trong nhóm chính sách tăng hiệu quả SDĐ nhưng lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai này mà thuộc lĩnh vực thuế. Tôi cũng mong chính sách về thuế nói chung, trong đó có chính sách về thuế liên quan đến việc SDĐ sẽ
góp phần nâng cao hiệu quả SDĐ, đúng như một trong những mục tiêu sửa Luật Đất đai lần này đề ra” - ông Hiếu cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm