Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông tin về nội dung trong Thông báo số 296/TB-LLQ ngày 25-9-2023 của Trường THPT Lạc Long Quân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội thu hút được sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, ban giám hiệu (BGH) trường THPT Lạc Long Quân thông báo tới anh H là phụ huynh của một học sinh lớp 12A3 sẽ "từ chối công tác giáo dục" nếu như phụ huynh này không đến làm việc, trao đổi và giải quyết với nhà trường.
Nội dung trong thông báo thể hiện: "Ngày 26-8-2023, trường THPT Lạc Long Quân nhận được phản ánh từ phụ huynh học sinh về việc ông nhắn tin trên nhóm zalo của lớp 12A3 với nội dung làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
Nhà trường đã nhiều lần mời ông lên trường làm việc, để nghe ông giải thích về nội dung tin nhắn trong nhóm Zalo lớp 12A3 ngày 26-8 nhưng không nhận được sự hợp tác của ông. Ngày 7-9, nhà trường đã cử giáo viên chủ nhiệm đến nhà để trao đổi và chuyển lời mời của ban giám hiệu nhà trường đến ông nhưng đến nay, ông vẫn chưa lên làm việc.
Nay nhà trường thông báo, ông bố trí thời gian lên làm việc với nhà trường trước ngày 29-8-2023. Sau thời gian trên, nếu ông không lên làm việc thì nhà trường sẽ từ chối công tác giáo dục đối với học sinh..." - thông báo nêu.
Tối 3-10, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 gọi điện cho gia đình anh H thông báo con anh chị phải nghỉ học từ ngày 4-10.
Anh H cho hay những vấn đề anh và các phụ huynh trao đổi trong nhóm lớp là những nội dung nhà trường phải có trách nhiệm giải thích để phụ huynh hiểu. Đồng thời, những trao đổi này trong nhóm riêng tư, không có ý xúc phạm nhà trường. Giải thích việc không đến trường làm việc theo lời mời của trường, anh H cho biết mình rất bận, phải đi công tác thường xuyên.
Ngay sau khi thông báo trên được lan truyền trên mạng, nhiều người đã bày tỏ quan điểm không hài lòng về nội dung trong thông báo này vì cho rằng BGH trường THPT Lạc Long Quân đang "giận cá chém thớt" và áp dụng sai đối tượng xử lý kỷ luật. Trong trường hợp này, có thể hiểu hình thức "từ chối công tác giáo dục" đối với học sinh giống như hình thức kỷ luật buộc thôi học.
Trao đổi với PLO về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết hiện nay, quy định về xử lý kỷ luật học sinh được quy định tại nhiều thông tư như Thông tư 32/2020 hoặc Thông tư 08/1998 (quy định chi tiết hơn Thông tư 32). Theo quy định tại Thông tư 08/1998 thì có năm hình thức kỷ luật đối với học sinh trung học phổ thông gồm: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ và đuổi học một năm.
Như vậy, những học sinh nào vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm hoặc mắc khuyết điểm nghiêm trọng sẽ bị xử lý kỷ luật tạm dừng việc học có thời hạn.
Trong vụ việc này, lý do mà BGH trường THPT Lạc Long Quân tạm dừng việc học của học sinh nguyên nhân xuất phát từ phía phụ huynh chứ không phải lỗi trực tiếp từ học sinh. Cho nên, về căn cứ để tạm dừng việc học của học sinh nghe chừng có vẻ... thiếu căn cứ.
Tuy nhiên, trường THPT Lạc Long Quân là trường ngoài công lập nên mối quan hệ giữa gia đình học sinh và nhà trường giống như hai bên trong hợp đồng cung cấp dịch vụ giáo dục. Bên cạnh việc đáp ứng và tuân thủ các điều kiện, tiêu chuẩn giáo dục theo quy định thì các trường tư thục hiện nay sẽ có những nội quy, cam kết ràng buộc giữa gia đình phụ huynh và nhà trường.
Do đó, trong trường hợp này cần xem xét lại những quy định, quy chế và thoả thuận của trường THPT Lạc Long Quân với gia đình học sinh xem trường hợp hành vi của ông H có thuộc các trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật học sinh hay không.
Cũng theo LS Bình, trong trường hợp này, cả nhà trường và gia đình phụ huynh cần bình tĩnh ngồi lại để đối thoại, giải đáp những khúc mắc, không nên căng thẳng để đưa đến những quyết định nóng vội.