Hiện nay trên thị trường tràn lan nhiều loại cá có hình dáng giống nhau khiến người tiêu dùng khó phân biệt chúng với nhau. Vì vậy, nhiều người bán lại nói loại cá này thành cá kia nhằm mục đích bán với giá cao hơn. Điển hình có một số loại cá có hình dáng giống nhau như:
Nhiều người bán vì mục đích lợi nhuận nên thường tráo đổi cá này thành cá kia. Ảnh: CHÂU NGUYÊN
Cá tra, cá basa và cá hú cùng là một loại cá da trơn, hình dáng giống nhau nhưng giá cả trên thị trường có sự chênh lệch nhau, chính vì thế nhiều người bán thường hay tráo đổi những loại cá này với nhau nhằm mục đích thu lợi nhuận nhiều hơn. Tại một số thời điểm giá cá tra chỉ khoảng 25.000-30.000 đồng/kg còn giá cá basa thì khoảng 45.000-50.000/kg, cá hú giá khoảng 35.000-40.000 đồng/kg. Người bán thường chờ thời điểm loại cá nào giá cao thì bảo đó là loại cá đó nhằm mục đích thu lãi.
Nhiều người tiêu dùng vẫn còn rất lúng túng trong việc chọn lựa những loại cá này. Theo một chủ cửa hàng cá thì cách phân biệt những loại cá nếu nhìn kỹ cũng không khó lắm.
“Cá tra đầu to hơi tròn, hàm dưới hơi rộng. Râu của cá tra dài tới mắt và mang cá. Cá tra thân dài, bụng hơi nhỏ, mặt lưng màu xanh sậm. Đối với cá basa, đầu ngắn, dẹp theo chiều đứng, lỗ miệng nằm hơi lệch, râu hàm trên cá basa dài bằng nửa chiều dài đầu. Thớ thịt cá basa nhỏ, đều, có màu trắng. Đối với cá hú, đầu to hơi tròn, hàm dưới hơi rộng, hàm trên nhô ra. Râu hàm trên cá hú dài đến vây ngực. Mình cá hú dẹp nhưng bụng cá hú to nhất, mặt lưng xám đen, mặt bụng trắng xám”.
Bằng mắt thường cũng rất khó nhận biết ba loại cá này. Ảnh: CHÂU NGUYÊN
Theo luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH MTV An Luật, cho biết về góc độ pháp lý, khi giao dịch mua bán diễn ra giữa người bán và người tiêu dùng nghĩa là hai bên đang thực hiện một giao dịch dân sự. Trong đó, người bán có nghĩa vụ giao vật đúng như thỏa thuận. Như vậy, nếu thỏa thuận một loại cá này và giao một loại cá khác là vi phạm pháp luật.
Tại Nghị định 124/2015, khoản 31 Điều 1 quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng:
- Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn;
- Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng;
- Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng;
Tuy nhiên, trong trường hợp này do tên gọi các loại cá da trơn đôi khi có sự sử dụng chưa rõ ràng và người mua là người trực tiếp chọn lựa cá (nhìn thấy, sờ, chọn) nên rất khó để xác định trách nhiệm bên bán. Ngoại trừ việc chứng minh cụ thể là người bán biết rõ và trong giao dịch đã cố tình lừa người mua bằng những câu nói, câu thuyết phục để người mua nhầm tưởng thì mới có thể buộc trách nhiệm của người bán.