‘Hô biến’ sinh viên thành đại gia chứng khoán để lừa đảo cả chục tỉ đồng

(PLO)- Các bị cáo ngụy tạo hồ sơ, “hô biến” một nam sinh viên trở thành “đại gia chứng khoán”, qua đó chiếm đoạt số tiền hàng chục tỉ đồng.

Sáng 10-5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ lừa đảo 300 tỉ đồng xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán SME (SMES) và các đơn vị liên quan.

Bất ngờ về thân thế "đại gia" chứng khoán

Theo VKS, từ tháng 4-2010 đến tháng 3-2011, do cần tiền sử dụng cá nhân và thanh toán các khoản nợ cũ, ông Phan Huy Chí (cựu chủ tịch SMES) cùng thuộc cấp sử dụng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng của nhiều công ty.

Trong đó, chỉ tính riêng tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), số tiền bị chiếm đoạt là hơn 107 tỉ đồng.

Bị cáo Phan Huy Chí trả lời HĐXX chiều 9-5. Ảnh: TP

Cáo trạng mô tả do biết PVI có một khoản tiền cần hợp tác đầu tư chứng khoán, hai bị cáo Phan Huy Chí và Phạm Minh Tuấn (cựu tổng giám đốc SMES) chỉ đạo cấp dưới tạo dựng hồ sơ giả, lập khống xác nhận số dư các mã chứng khoán...

Tin tưởng có cổ phiếu thật, PVI ký hai hợp đồng hợp tác số 15 và 16, sau đó chuyển số tiền hơn 107 tỉ đồng cho SMES. Thế nhưng đến hạn tất toán, PVI không nhận được tiền như đã thỏa thuận nên đã kiến nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra.

Đáng chú ý, tại hợp đồng số 15, ba bên tham gia ký kết gồm đại diện SMES (bên C), đại diện PVI (bên A) và khách hàng tên Hoàng Ngọc Anh (bên B – một “đại gia” sở hữu gần 5 triệu cổ phiếu).

Theo thỏa thuận, hợp đồng có tổng giá trị là hơn 168 tỉ đồng, trong đó PVI góp 40% bằng 49 tỉ đồng tiền mặt, khách hàng Hoàng Ngọc Anh góp 60% bằng số dư chứng khoán (thực tế chỉ là chứng khoán ảo – PV).

Quá trình điều tra, công an tiến hành xác minh về nhân thân của “đại gia” chứng khoán Hoàng Ngọc Anh – người ký tên trong hợp đồng hợp tác số 15 với PVI.

Kết quả bất ngờ khi Hoàng Ngọc Anh khai rằng mình chỉ là một sinh viên Đại học Y, bản thân không hề có tiền để đầu tư chứng khoán, không biết, không ký kết và không có quan hệ gì với các bên tham gia hợp đồng.

Đặc biệt, Hoàng Ngọc Anh thừa nhận số chứng minh thư ghi trong hợp đồng số 15 là của mình, nhưng chứng minh thư này bị mất và đã làm lại chứng minh thư khác. Kết quả giám định cũng cho thấy chữ ký đứng tên Hoàng Ngọc Anh trong hợp đồng số 15 và chữ ký Hoàng Ngọc Anh trong biên bản ghi lời khai với công an không phải là chữ ký của cùng một người ký ra.

Ký khống hồ sơ để vay tiền chứ không lừa đảo?

Về phía mình, ban đầu ông Phan Huy Chí thừa nhận một số cáo buộc của cơ quan điều tra, tuy nhiên sau này lại thay đổi lời khai theo hướng phủ nhận.

Tại tòa, khi được HĐXX hỏi về vụ việc liên quan tới PVI, cựu chủ tịch SMES tiếp tục phản đối quan điểm truy tố của VKS.

Ông Chí khai không đề ra chủ trương, bàn bạc hay chỉ đạo thuộc cấp, cũng không ký bất cứ hợp đồng đầu tư chứng khoán nào với PVI.

Bị cáo khẳng định SMES cần vay tiền PVI nhưng PVI là công ty bảo hiểm, không có chức năng cho vay nên mới phải tạo dựng hai hợp đồng chứng khoán niêm yết để vay. Toàn bộ thủ tục liên quan do trung gian môi giới thực hiện, SMES chỉ làm theo tư vấn.

Thấy vậy, HĐXX chất vấn “nếu là giao dịch vay tiền thông thường, sao không ký hợp đồng vay mà lại phải che giấu bằng việc ký giả cách hai hợp đồng chứng khoán niêm yết?".

Trả lời câu hỏi, ông Chí một lần nữa cho rằng “do PVI không có chức năng cho vay nên đôi bên mới phải làm vậy". Theo bị cáo, việc tạo dựng khách hàng, khống mã chứng khoán... không nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của PVI mà có sự thống nhất của hai bên.

Chủ toạ truy vấn "làm điều pháp luật không cho phép, vậy rõ ràng là gian dối, là vi phạm, có phải không?". Suy nghĩ vài giây, cựu chủ tịch SMES nói “nếu có gian dối thì là PVI chứ không phải bị cáo", đồng thời cho biết trước khi vụ án đưa ra xét xử đã trả đủ tiền cho PVI, do đó "không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cũng tại phiên xử, HĐXX yêu cầu đại diện PVI đối chất về mốc thời gian và các khoản thanh toán SMES đã trả cho PVI. Tuy nhiên, vì chưa chuẩn bị được các tài liệu cần thiết, vị đại diện PVI xin được bổ sung sau.

Theo cáo trạng, trong số hơn 107 tỉ đồng thiệt hại, PVI đến nay đã nhận lại hơn 84 tỉ đồng (ông Chí khắc phục hơn 80 tỉ, hai cá nhân khác khắc phục gần 4 tỉ, ông Phạm Minh Tuấn chưa khắc phục). Số tiền còn lại khoảng 23 tỉ đồng sẽ được tòa án xem xét trách nhiệm liên đới bồi thường giữa ông Chí và ông Tuấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới