Hộ khẩu tạo ra nhiều bất công

“Những người tạm trú gặp phải nhiều rào cản khi tiếp cận dịch vụ và việc làm trong khối Nhà nước, tạo ra phí tổn xã hội và bất công”. Nhận định này được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 16-6.

Gánh nặng hộ khẩu đè người nghèo

“Gia đình ông T. tạm trú ở Đà Nẵng đã 10 năm nay. Ông T. là công nhân, mẹ ông 75 tuổi và mắc bệnh. Tổ trưởng tổ dân phố đề nghị phường xét, đưa gia đình ông vào danh sách hộ nghèo nhưng phường từ chối vì gia đình ông T. không có hộ khẩu. Vì thế, ông T. không được bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí ở Đà Nẵng” - ông Vũ Hoàng Linh, chuyên gia kinh tế ở nhóm toàn cầu về nghèo và công bằng xã hội, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, WB, kể.

Vì vậy theo ông Linh, cứ hai tuần một lần, ông T. lại phải xin nghỉ phép để đưa mẹ về Quảng Nam - nơi có hộ khẩu lấy thuốc để được BHYT chi trả thuốc men.

Tuy vậy, đây không phải là trường hợp cá biệt. Ông Linh thuật lại lời một nữ công nhân khác tạm trú ở Đà Nẵng: “Tôi vẫn có thể mua BHYT ở Đà Nẵng. Nhưng hộ khẩu của tôi ở Huế nên tôi phải về Huế để khám sức khỏe, nếu không tôi phải trả 70% chi phí. Mức đó là quá nặng đối với tôi”.

Hộ khẩu không chỉ gây khó cho người dân về vấn đề BHYT mà còn khiến họ mất thêm chi phí trong việc tiếp cận các dịch vụ hành chính. Cạnh đó, người tạm trú còn phải trả tiền điện, nước cao hơn người có hộ khẩu. “Không có hộ khẩu khiến người tạm trú không sử dụng một số thủ tục giấy tờ tại nơi cư trú mà phải về nơi thường trú làm thủ tục. Điều này gây tốn kém tiền bạc, thời gian. Một công nhân ở Sóc Trăng làm việc tại TP.HCM không có hộ khẩu nên phải về lại tỉnh làm thủ tục xin xác nhận nhiều loại giấy tờ. Tiền đi lại mất 260.000 đồng và cô này phải xin phép nghỉ ba ngày làm việc” - ông Linh dẫn chứng.

Làm thủ tục cấp hộ khẩu tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mạnh tay bỏ hộ khẩu?

Chuyên gia kinh tế Gabriel Demombynes của WB kể ông đọc được câu chuyện về một nữ cử nhân y khoa. Người này sau khi tốt nghiệp bằng giỏi đã nộp đơn vào một số bệnh viện ở TP.HCM nhưng đến đâu cũng gặp câu hỏi: “Có hộ khẩu TP.HCM không?”. Do nữ cử nhân này không có hộ khẩu nên nhiều bệnh viện từ chối nhận. “Hộ khẩu đã tạo ra bất bình đẳng về cơ hội việc làm” - ông Gabriel nhận định.

Tương tự, trong nhận định của báo cáo về hộ khẩu cũng cho thấy những người tạm trú thường khó tiếp cận việc làm ở khu vực công và xu hướng này ngày càng tăng. “Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đều đặt điều kiện yêu cầu hộ khẩu bắt buộc cho các vị trí công chức thông thường. Yêu cầu này chỉ được miễn đối với những trường hợp đặc biệt” - ông Linh thông tin thêm.

Ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhận xét đến nay hộ khẩu vẫn có mặt trong hầu hết các lĩnh vực, dịch vụ mà người dân tiếp cận. Nó đang cản trở người dân tiếp cận những dịch vụ công hoặc trong mối quan hệ với chính quyền. “Những rào cản cũng gây ra ảnh hưởng tới trẻ em về BHYT, giáo dục, làm hạn chế khả năng thay đổi địa vị xã hội của các thế hệ tương lai nên đã đến lúc phải cải cách” - ông Anh đề nghị.

Hộ khẩu từng gây nhiều “ám ảnh”

Hộ khẩu là nỗi ám ảnh đối với bản thân và gia đình tôi trong nhiều năm trước đây. Vốn là cán bộ của Bộ GD&ĐT, năm 1978, tôi được cử lên Lai Châu công tác. Khi đó, tôi phải cắt hộ khẩu khỏi Hà Nội, kéo theo là phải cắt thêm sổ gạo, sổ căn tin.

Vợ tôi được cử lên công tác ở Phú Thọ cũng thế. Sau này, con tôi sang học tập ở Đông Âu, tôi phải chú ý giữ lại cẩn thận các chứng từ về sổ gạo, sổ hộ khẩu… phòng khi con trở về sẽ dễ dàng nhập hộ khẩu vào gia đình. Điều đáng mừng là khi con tôi trở về nước năm 2005, tình hình hộ khẩu đã đỡ hơn rất nhiều.

Ông VŨ VĂN ĐỨC, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục không chính quy và phát triển cộng đồng

Khảo sát về hộ khẩu được thực hiện tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh Bình Dương, Đắk Nông. Số người không có hộ khẩu ở năm tỉnh, thành này khoảng 5,6 triệu người, trong đó TP.HCM có 2,9 triệu người, Bình Dương 1,4 triệu người, Hà Nội 1,3 triệu người, Đà Nẵng 120.000 người và Đắk Nông 40.000 người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm