Đây là nhận định đáng chú ý được nêu ra tại hội thảo Công bố báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng 16-6.
Ông Achim Fock: “Việt Nam có những bước tiến dài về cải cách hộ khẩu”.
Ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, nói: "Hộ khẩu xuất hiện từ những năm 1950, nhằm mục đích hạn chế sự di chuyển dân số từ nông thôn ra thành thị, TP, đảm bảo an ninh công cộng, hỗ trợ quản trị xã hội theo mô hình tập trung… Đến nay hộ khẩu vẫn có mặt trong hầu hết lĩnh vực, dịch vụ mà người dân tiếp cận, từ giáo dục, y tế, việc làm, kinh doanh. Những bất cập của hộ khẩu đang đặt ra việc cải cách chính sách hộ khẩu để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ".
PGS Đặng Nguyên Anh: “Có nhiều lý do để cải cách hộ khẩu”.
Quyền Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam - ông Achim Fock nhận định: "Việt Nam đã có những bước tiến dài trong cải cách hộ khẩu so với trước đây, tạo thuận lợi nhiều hơn cho người dân. Tuy nhiên, có hai lý do để cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Đó là việc tuyển dụng công chức, viên chức vào cơ quan nhà nước vẫn cần hộ khẩu và cần tạo ra cơ hội bình đẳng hơn để mọi người có thể nhập cư dễ dàng vào những nơi có nhiều dịch vụ tốt, thực hiện quyền tự do cư trú mà pháp luật Việt Nam đã quy định".
Trình bày kết quả nghiên cứu, ông Vũ Hoàng Linh từ WB cho hay những rào cản do hộ khẩu gây ra ảnh hưởng tới trẻ em, đối với những quyền lợi về bảo hiểm y tế, giáo dục, làm hạn chế khả năng thay đổi địa vị xã hội của các thế hệ tương lai.
Thực tế, tầm quan trọng của hộ khẩu ngày càng giảm đi. Những người tạm trú vẫn gặp khó khăn khi nhập học cho con em mình vào các trường công lập hoặc phải trả chi phí nhiều hơn khi tiếp cận dịch vụ y tế. Những người không có hộ khẩu thường trú tại các TP vẫn gặp khó khăn khi giao dịch với chính quyền.
“Hiện chỉ còn rất ít nước (Việt Nam, Trung Quốc và các nước thuộc Liên Xô cũ) duy trì hệ thống đăng ký hộ gia đình, trong đó gắn với việc cung cấp các dịch vụ xã hội và hạn chế thay đổi nơi cư trú” - ông Linh nói.
Ông Vũ Hoàng Linh: “Chỉ còn rất ít quốc gia giữ chính sách hộ khẩu”.
Khảo sát về hộ khẩu được tiến hành tại năm tỉnh, thành: Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Đắk Nông. Ước tính số người không có hộ khẩu thường trú khoảng 5,6 triệu người, trong đó TP.HCM có 2,9 triệu người, Bình Dương 1,4 triệu người, Hà Nội 1,3 triệu người, Đà Nẵng 120.000 người và Đắk Nông 40.000 người.