Nhiều người cho rằng vẻ đẹp “nhân tạo” cần bị cấm tại các cuộc thi sắc đẹp. Theo họ, trong một cuộc thi phụ thuộc rất lớn vào vẻ đẹp hình thể, phẫu thuật thẩm mỹ sẽ làm mất đi sự công bằng. Một hoa hậu được phẫu thuật thẩm mỹ có khác gì với một vận động viên sử dụng doping để giành chiến thắng? Những điều bức xúc này khiến dư luận xã hội và ban tổ chức một số cuộc thi sắc đẹp không chấp nhận thí sinh đã từng phẫu thuật thẩm mỹ được tham gia tranh tài.
Chỉ cần “bạn là phụ nữ”
Thí sinh các cuộc thi sắc đẹp mang tầm cỡ quốc tế luôn được khuyến khích không phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, hai cuộc thi được phát sóng truyền hình rầm rộ hàng đầu thế giới là Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Mỹ lại không có bất kỳ một quy định nào nghiêm cấm phẫu thuật thẩm mỹ. Trong thực tế chủ sở hữu cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ là tỉ phú Donald Trump cho biết chỉ có một quy tắc duy nhất: “Bạn phải được sinh ra là một phụ nữ”. Về phẫu thuật thẩm mỹ, ông cho biết: “Chúng tôi không can dự vào vấn đề này. Không có chính sách nào về việc này cả. Một điều thú vị là những người chiến thắng cuộc thi đều có vẻ đẹp tự nhiên. Bạn không thể làm ra được vẻ đẹp đích thực”. Có thể thấy việc “cấm” dùng dao kéo để thay đổi ngoại hình chỉ tồn tại về mặt tinh thần, còn quy định cụ thể thì chẳng thấy đâu. Với khả năng nhanh chóng thay đổi ngoại hình từ “vịt cồ” thành “thiên nga”, phẫu thuật thẩm mỹ là một con đường tắt đến vinh quang đầy sức cám dỗ đối với thí sinh các cuộc thi sắc đẹp. Việc thực thi các kiểu quy định cấm như thế cũng vô cùng khó khăn, vì có thể can thiệp quá sâu vào đời tư hoặc xâm phạm cơ thể của các thí sinh. Đa phần các trường hợp thí sinh bị phát hiện phẫu thuật thẩm mỹ là do báo chí hoặc các trang mạng xã hội phanh phui thông tin, chứ không phải do ban tổ chức chủ động “xét nghiệm” và phát hiện.
Wi May Nava, thí sinh Hoa hậu Venezuela năm 2013, thừa nhận cô đã phẫu thuật khâu cả lưới thép mỏng vào lưỡi để không thể ăn được thức ăn cứng. Ảnh: THE NEW YORK POST
“Gu” nhan sắc của thế giới đang thay đổi
Theo nhà báo Alex Kuczynski của tờ The New York Times, thị hiếu chung của thế giới đối với cái đẹp đang dần có sự thay đổi. Dù vẻ đẹp tự nhiên và thực chất vẫn nhận được sự trân trọng nhưng xã hội đang chấp nhận cả những vẻ đẹp được tạo nên bởi dao kéo. Từ những minh tinh Hollywood đến các ngôi sao Hàn Quốc, những người có vẻ đẹp đã qua chỉnh sửa vẫn nhận được sự hâm mộ của đông đảo các fan trong nước và quốc tế. Ông Kuczynski cũng cho rằng mối quan tâm hàng đầu của khán giả các cuộc thi sắc đẹp là tìm ra người phụ nữ đẹp nhất. Các cuộc thi sắc đẹp không chỉ là khán đài thi thố mà còn là những chương trình truyền hình. Phẫu thuật thẩm mỹ có khả năng tăng tính “đã mắt” cho chương trình.
Chỉnh sửa nhan sắc như… ôn thi
Juliana Borges, hoa khôi đại diện cho Brazil tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ diễn ra năm 2001, không ngại ngần bộc bạch rằng cô đã thực hiện đến 19 lần phẫu thuật thẩm mỹ. Cụ thể, cô đã phải trải qua nhiều lần bơm collagen vào môi cũng như bơm silicone vào các vùng ngực, cằm và má. Cô cho rằng việc này cũng cần như là “ôn thi thì mới có điểm tốt”. Cô cho rằng bản thân phải làm việc cực nhọc thì mới có được thân hình hoàn mỹ.
Khi Evandro Rossi, thợ săn đầu người cho các cuộc thi sắc đẹp chuyên nghiệp, gặp được Borges ở miền Nam của Brazil, ông đã nhận ra một vẻ đẹp tiềm ẩn từ cô. “Đó là một viên ngọc chưa được mài dũa. Việc của tôi chỉ là thay đổi một chút cho viên ngọc ấy.” Kể từ đó cô gái 22 tuổi đã trải qua 19 lần phẫu thuật, tất cả đều diễn ra trong năm ngoái. “Tôi đã thực hiện một số ca phẫu thuật” - cô cho biết, “nhưng tất cả những ca này đều là tiểu phẫu, chúng không để lại bất cứ dấu hiệu nào, bất cứ vết sẹo nào trên người tôi. Do đó, tôi cũng không khác trước là mấy”.
Borges nói thêm: “Tôi rất vui khi thấy rằng bất kỳ phụ nữ nào dù không đẹp hay hoàn hảo ban đầu đều có thể nỗ lực phấn đấu cho ước mơ của mình”.