Theo các học giả về chính sách đối ngoại Trung Quốc, cho đến thời điểm hiện tại, các chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden dường như có sự tiếp nối và không quá khác so với chính sách của người tiền nhiệm, tờ South China Morning Post đưa tin.
Ông Biden tiếp nối chính sách đối ngoại thời ông Trump
Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo bàn về 100 ngày đầu tiên nắm quyền của nhà lãnh đạo Mỹ hôm 11-5, các học giả Trung Quốc kết luận rằng so với sự “liều lĩnh” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, thì cách tiếp của ông Biden có phần “lý trí” và dựa trên nguyên tắc hơn, ngay cả khi những cạnh tranh về mặt chiến lược của hai chính quyền ngày càng leo thang.
Ông Ni Feng - người đứng đầu Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - nhận định: “Đánh giá sau 100 ngày đầu nắm quyền của ông Biden, khác với những gì chúng tôi mong đợi về những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ với chính quyền Bắc Kinh, chính quyền đương nhiệm đã lựa chọn kế thừa, và duy trì các chính sách dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, chính quyền hiện tại cũng có cách tiếp cận tập trung và có hệ thống hơn”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS
Hồi tháng 3, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có công khai tranh cãi lẫn nhau trong cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa hai quốc gia tại Alaska dưới thời chính quyền mới của Mỹ. Bình luận về cuộc hội đàm, ông Ni Feng cho rằng việc tranh cãi trong cuộc gặp mặt trực tiếp như vậy vẫn tốt hơn nhiều so với việc không bất kỳ cơ hội gặp mặt nào.
Ông Jia Qingguo - giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Bắc Kinh - cho rằng nên hai nước nên tránh xảy ra việc tranh cãi công khai trước máy quay tại cuộc họp ở Alaska mà nên tổ chức các cuộc thảo luận quan trọng như vậy bằng các kênh ngoại giao khác.
"Nếu Trung Quốc và Mỹ muốn cải thiện quan hệ song phương, thì tốt nhất là cả hai không nên tổ chức các cuộc họp công khai vì chúng dễ bị chính trị hóa cũng như dễ bị ảnh hưởng từ chính trị trong nước đối với cả hai bên" - ông Jia Qingguo nhận định.
“Cách tốt nhất là sử dụng “ngoại giao kênh hai” - một hình thức đối thoại không chính thức - và thực hiện thảo luận kín để đạt được sự đồng thuận trước khi chuyển sang đàm phán công khai. Theo cách đó, cơ hội thành công là rất cao” - ông nói thêm.
Căng thẳng giữa hai nước đã liên tục leo thang và lên đến đỉnh điểm dưới thời chính quyền ông Trump khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên đã gây ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của quan hệ song phương. Theo đó, các kênh ngoại giao lúc bấy giờ gần như hoàn toàn rơi vào bế tắc.
Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1, ông Biden đã tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc và tiếp tục duy trì hầu hết các chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, sau đó, chính quyền mới đã tiến hành nối lại một số kênh liên lạc giữa hai nước, bao gồm chuyến thăm của ông John Kerry - Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Mỹ - đến Thượng Hải hồi tháng trước và việc Mỹ đã nới lỏng các hạn chế thị thực đối với sinh viên Trung Quốc trong thời gian gần đây.
TQ là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Mỹ
Ông Biden đã mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Mỹ và tuyên bố sẽ kiên quyết đối đầu với Bắc Kinh về các vấn đề bao gồm quyền con người, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như chính sách kinh tế của nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng khẳng định Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21. Theo ông, chính quyền Washington phải đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc trong việc "chà đạp nền dân chủ" và xâm phạm quyền con người.
Phát biểu tại hội thảo, ông Jia Kang - một cựu nghiên cứu viên của Bộ tài chính Trung Quốc - cho biết các chính sách của ông Biden ít hung hăng hơn của ông Trump và điều đó cho phép Trung Quốc dễ dàng thực hiện các mục tiêu của mình.
“Thật tốt khi ông Biden xác định Nga là mối đe dọa còn Trung Quốc chỉ là đối thủ cạnh tranh. Điều này có lợi cho Trung Quốc vì khi xác định Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh có nghĩa là chúng ta có thể cạnh tranh một cách hòa bình và có thể chiến đấu mà không làm rạn nứt quan hệ song phương ” - ông Jia Kang nói.
“Miễn là mối quan hệ không hoàn toàn rạn nứt, chúng ta có thể duy trì tình hình và khiến cho Mỹ phải chấp nhận rằng khoảng cách giữa hai nước đang thu hẹp lại, song điều này chỉ xảy ra khi họ không còn bất kỳ biện pháp nào để kiềm chế Trung Quốc” - ông nói thêm.