Hiện nay, nhiều giáo viên băn khoăn, việc học sinh đeo khẩu trang xuyên suốt quá trình học trên lớp đã gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Cụ thể, một giáo viên dạy ngoại ngữ cho rằng học sinh đeo khẩu trang trong lớp, khi phát âm giáo viên nghe không rõ, không thấy được khẩu hình miệng của học sinh gây khó cho giáo viên khi truyền đạt kiến thức.
|
Đeo khẩu trang khi học trong lớp để phòng dịch đã không còn giá trị. Ảnh minh họa: THẢO PHƯƠNG |
Đặc biệt, giáo viên này cho rằng thời tiết tháng 4 đang rất nóng, học sinh đeo khẩu trang kín mít gây đổ mồ hôi nhễ nhại, tiềm ẩn vi khuẩn sẽ không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, vì học sinh có thói quen đeo khẩu trang khi học nên trở nên tự ti khi tháo khẩu trang. Nhiều học sinh còn lợi dụng khẩu trang để tránh né sự quan sát của giáo viên, gây khó cho giáo viên trong quản lý chất lượng dạy học.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho rằng hiện học sinh đã ăn uống và sinh hoạt chung trong trường lớp nên việc đeo khẩu trang khi học để phòng dịch đã không còn giá trị.
“Chúng ta phải phân biệt được chuyện nào quan trọng hơn. Việc tất cả học sinh đeo khẩu trang xuyên suốt trong lớp học vừa không mang lại giá trị phòng ngừa dịch bệnh, vừa gây ảnh hưởng đến chất lượng học hành của trẻ. Nếu đeo khẩu trang khi học đã không còn giá trị thì hiện nay chuyện học và tiếp thu kiến thức quan trọng hơn nhiều” - BS Khanh nhận định.
Theo BS, đa số học sinh hiện nay đeo khẩu trang không đúng cách (đeo cả ngày không thay mới, tháo ra tháo vô, kéo lên kéo xuống) sẽ gây mất vệ sinh, từ đó cũng không mang lại hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh.
Để phòng ngừa dịch bệnh trong nhà trường, BS Khanh khuyên học sinh nên rửa tay thường xuyên. Học sinh chỉ nên đeo khẩu trang khi bị cảm cúm hoặc khi ra ngoài chơi với người khác để tránh lây lan dịch bệnh cho các bạn cùng lớp.