Hàn Quốc (HQ) đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà và không gian kín vào ngày 30-1. Nhật cũng sẽ sớm sẵn sàng bãi bỏ yêu cầu này. Trong khi đó, Đài Loan cũng chuẩn bị có những quy định nới lỏng về việc đeo khẩu trang vào cuối tháng này, theo tờ The New York Times.
Người dân trong một hiệu sách ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) hôm 30-1. Ảnh: AFP |
Quy định đeo khẩu trang, vốn từng là điều phổ biến trong gia đoạn dịch COVID-19, đang dần được dỡ bỏ ở một số quốc gia ở Đông Á. Đeo khẩu trang gây ra một số bất tiện như cản trở giao tiếp và làm mờ kính mắt. Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ cũng đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang từ nhiều tháng trước.
Tuy nhiên, ngay cả khi chính phủ nới lỏng các quy định chống dịch và đeo khẩu trang, nhiều người dân ở khu vực Đông Á khó có thể sớm từ bỏ thói quen này.
Thói quen khó thay đổi
Ở nhiều nơi tại châu Á, người dân đã được yêu cầu đeo khẩu trang cẩn thận trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19 bùng nổ. Điều này đã tạo ra thói quen đeo khẩu trang thường xuyên và biến đây trở thành điều khó thay đổi.
Cô Mizuki Nishimura, 24 tuổi, giáo viên dạy múa ballet ở Yokohama (Nhật), cho biết việc đeo khẩu trang đã trở thành một phản xạ tự nhiên đối với học sinh của cô. Vì vậy, chúng vẫn tiếp tục đeo khẩu trang ngay cả khi nhà trường không còn khuyến nghị.
“Các em học sinh của tôi đeo khẩu trang giống như chúng cúi đầu theo phản xạ khi nhìn thấy người lớn tuổi. Không đeo khẩu trang làm chúng cảm thấy thiếu thiếu thứ gì đó” - cô nói.
Các cô gái đeo khẩu trang tại một địa điểm biểu diễn nghệ thuật ở Yokohama, Nhật. Ảnh: SHUTTERSTOCK |
Việc đeo khẩu trang thường xuyên ở châu Á đã có trước giai đoạn COVID-19. Vì vậy, thói quen này được thúc đẩy nhanh hơn ở châu lục này trong thời kỳ đại dịch.
Một số người ở HQ và Nhật cũng tận dụng việc đeo khẩu trang để họ không phải trang điểm hay cười khi gặp ai đó. Do đó, việc ngừng đeo khẩu trang cũng đi kèm với một số bất tiện.
Ông Sangmin Kim, học giả nghiên cứu văn hóa tại CATS Lab - một trung tâm nghiên cứu ở Seoul - cho biết khẩu trang đã giúp nhiều người HQ giảm bớt áp lực xã hội trong việc cho thấy mình luôn đẹp. “Mọi người cảm thấy thoải mái khi khuôn mặt của họ được che giấu, và họ cảm thấy hơi khó chịu khi để lộ khuôn mặt mộc của mình” - ông Kim nói.
Vẫn còn các khuyến nghị
Mặc dù giới chức Nhật và HQ không yêu cầu nghiêm ngặt người dân phải đeo khẩu trang, nhưng các cơ quan y tế của hai nước này vẫn khuyến nghị mọi người đeo chúng, đặc biệt là trong không gian kín. Các ca nhiễm bệnh ở hai quốc gia này đã giảm dần trong tháng qua. Tuy nhiên, các quan chức y tế cảnh báo về nguy cơ tái nhiễm gia tăng và khả năng số ca nhiễm tăng đột biến khi các lệnh hạn chế đi lại trên toàn cầu được nới lỏng.
Ông Kim Seong-ho - một quan chức y tế cấp cao ở Hàn Quốc - cho biết: “Mối nguy hiểm của COVID-19 vẫn chưa biến mất”.
Ở HQ, khẩu trang vẫn được yêu cầu đeo trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Dù vậy, nhiều người vẫn không tháo chúng ra sau khi xuống xe buýt hoặc ra khỏi bệnh viện ở Seoul.
Chính quyền Nhật vẫn đang khuyến khích người dân đeo khẩu trang trong không gian kín, dù họ cho rằng không cần thiết phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Nhật không bắt buộc đeo khẩu trang hoặc áp dụng các hình phạt đối với việc không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, vì mọi người thường mang theo khẩu trang bên mình mọi lúc mọi nơi nên họ thường đeo khẩu trang ngay cả khi họ tham gia các hoạt động ngoài trời.
Người dân đi làm qua Shimbashi, Tokyo. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Cô Miki Moro, 30 tuổi, một nhà tuyển dụng việc làm ở Tokyo, cho biết: “Tôi chắc rằng một số người nghĩ rằng nếu khẩu trang được khuyến khích ở trong nhà, điều đó có nghĩa là vẫn còn điều gì đó nguy hiểm. Vì vậy, tôi nghĩ cũng nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài”.
Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng tần suất sử dụng khẩu trang cao ở các quốc gia góp phần giữ mức lây nhiễm thấp trong suốt thời gian đại dịch. Ông John Volckens – nhà dịch tể học tại Đại học bang Colorado ở TP Fort Collins (Mỹ) - cho biết các quy định về đeo khẩu trang cũng đã được chứng minh là làm chậm đáng kể sự lây lan của virus ở Mỹ.
Việc tránh các bệnh về đường hô hấp khác, như cúm và dị ứng thời tiết, cũng là lý do khiến một số người quyết định đeo khẩu trang.
Khẩu trang thể hiện sự tôn trọng đối với sức khỏe của người khác
Đeo khẩu trang cũng được coi là một thói quen tốt đối với nhiều người ở châu Á. Việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là phép lịch sự phổ biến để ngăn mầm bệnh lan truyền, đặc biệt là khi người ta không bao giờ biết những người xung quanh mình có bị suy yếu hệ thống miễn dịch hoặc sống với người mắc bệnh nền hay không.
Trong không gian có nhiều người, những người không đeo khẩu trang sẽ dễ gây chú ý.
Ông Kazunari Onishi - tác giả cuốn “The Dignity of Masks” (tạm dịch: Phẩm chất của những chiếc khẩu trang) và là giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Quốc tế St. Luke ở Tokyo - cho biết: “Bạn sẽ bị nhìn chằm chằm nếu không đeo khẩu trang”.
Ông Kim, một học giả nghiên cứu về văn hóa, cho rằng cá nhân ông tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài để thể hiện “hình ảnh tôi là một người không gây hại cho người khác”. “Người HQ có thể xem việc không đeo khẩu trang là hành động thiếu tôn trọng. Họ coi trọng việc không gây hại cho những người xung quanh” - ông nói.
Khẩu trang bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí
Mức độ bụi mịn ở khu vực Đông Á liên tục không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc tế trong những năm qua. Vì vậy, từ lâu, người dân ở khu vực này đã quen với việc đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe trước những tác động của ô nhiễm không khí như ho, hắt hơi và tức ngực.
Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do ô nhiễm không khí được cảm nhận rõ ràng ở HQ. Tại đây, khẩu trang là phương tiện bảo vệ sức khỏe phổ biến vào những ngày các hạt bụi mịn khiến bầu trời xám xịt.
Bụi mịn gây ô nhiễm không khí ở Seoul. Ảnh: YONHAP |
Theo cơ quan thời tiết HQ, trong năm 2022, nồng độ bụi mịn PM 2.5 ở nước này đạt ngưỡng 18 microgam/m3, vượt quá mức an toàn 5 microgam/m3 được Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra.
Ông Kim cho biết: “Văn hóa đeo khẩu trang đã hình thành kể từ khi bụi mịn bắt đầu trở thành một vấn đề nghiêm trọng vào những năm 2010”.
Tại Trung Quốc và Ấn Độ - nơi từng ghi nhận một số mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới, các quan chức y tế cũng đã duy trì quy định đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.