Học sinh hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ khi tham dự phiên tòa giả định

(PLO)- Chương trình phiên tòa giả định phổ biến các quy định pháp luật đến người tham dự, giúp học sinh hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-2, Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, Đồng Nai) và Trường THPT Phú Ngọc tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”.

Đây là lần đầu tiên chương trình phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THPT Phú Ngọc. Chương trình đã nhận được sự quan tâm, hào hứng từ nhà trường và các em học sinh.

Chương trình đã nhận được sự quan tâm, hào hứng từ nhà trường và các em học sinh. Ảnh: TRẦN LINH

Chương trình đã nhận được sự quan tâm, hào hứng từ nhà trường và các em học sinh. Ảnh: TRẦN LINH

Chương trình phiên tòa giả định là một hoạt động thường xuyên của Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, qua đó tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân. Phiên tòa giả định có sự tham dự của nhà trường, chính quyền và người dân địa phương cùng hơn 1.000 học sinh Trường THPT Phú Ngọc.

Câu chuyện được thể hiện qua phiên tòa giả định như sau: hai vợ chồng sau khi ly hôn thì con gái (sinh năm 2015) sống với mẹ. Người mẹ chung sống với người tình (tên Nam), khi đi làm hay nhờ chăm sóc con.

Nam nhiều lần gây thương tích cho bé gái bằng tay, chổi, cây lau nhà; đánh vào mặt, lưng và chân bé. Nam buộc bé nói dối rằng những vết thương là do bé tự té ngã.

Ngày 13-4-2022, Nam yêu cầu bé giặt đồ cho Nam. Sau đó, Nam nói bé giặt đồ không sạch và chửi mắng. Nam tát mạnh vào mặt bé làm bé té ngã, đầu đập xuống sàn nhà. Nam đưa bé đi cấp cứu, nói dối là bé tự ngã.

Sự việc chỉ được phát giác khi cô giáo thấy bé có nhiều vết thương trên cơ thể, có biểu hiện bị bị bạo hành nên báo công an. Nam bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 134 BLHS 2015, bị phạt 3 năm 6 tháng tù.

Theo dõi phiên tòa giả định, học sinh hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của mình. Ảnh: TRẦN LINH

Theo dõi phiên tòa giả định, học sinh hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của mình. Ảnh: TRẦN LINH

Tại phiên tòa, các thành viên của HĐXX đã giải thích cho mọi người hiểu về hành vi sai trái của bị cáo, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của phụ huynh; đồng thời khen ngợi tinh thần trách nhiệm của cô giáo khi đã phát hiện và tố giác tội phạm.

Nhiều kiến thức bổ ích để xử lý xích mích

Em từng xem các phiên tòa xét xử qua tivi. Tuy nhiên, hôm nay em được thấy thực tế phiên tòa diễn ra cụ thể như thế nào.

Qua phiên tòa giả định hôm nay, em tiếp thu được nhiều kiến thức mới và cách phòng tránh những rắc rối, cách xử lý xích mích trong xã hội.

Em TRẦN NGỌC LONG CHÂU, học sinh lớp 10 tự nhiên 2

“Chính nhờ sự quan tâm, để ý, cảnh giác của cô giáo mà việc bạo hành trẻ em bị đưa ra ánh sáng, để pháp luật xử lý hành vi vi phạm của bị cáo ngày hôm nay. Khi phát hiện hành vi vi phạm, cô giáo đã không im lặng mà mạnh dạn tố giác, trình báo cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời người vi phạm. Pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta không bao giờ dung túng, bao che, làm ngơ cho cái ác, cho những sự vi phạm pháp luật” - vị chủ tọa nhấn mạnh.

Bà Đinh Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Ngọc, chia sẻ: “Chương trình này có ý nghĩa giáo dục cao, phổ biến các quy định pháp luật đến người tham dự, giúp học sinh hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ của mình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm