Học thêm vẫn cần thiết khi giáo viên công tâm

(PLO)- Cá nhân tôi cho rằng việc học thêm không xấu mà ngược lại còn mang đến hiệu quả tích cực, nếu phù hợp và đúng mục đích của phụ huynh và học sinh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiếp tục diễn đàn về Học thêm và dạy thêm, PLO nhận được bài viết của bạn đọc Thiên Bình, xin giới thiệu cùng bạn đọc:

Bản thân là một phụ huynh bận rộn, không có thời gian quá nhiều để chăm chút cho việc học của con. Tôi đi làm suốt 8 tiếng một ngày, đôi khi lại phải tăng ca nên lúc về nhà thì con đã đi ngủ. Chồng tôi cũng bận rộn không kém nên việc học của con trai, chúng tôi thống nhất đều nhờ cậy vào quý thầy cô.

Cá nhân tôi cho rằng việc học thêm không xấu mà ngược lại còn mang đến hiệu quả tích cực, nếu phù hợp và đúng mục đích của phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, trong thời điểm thay sách giáo khoa, đổi mới chương trình giáo dục như hiện nay, phụ huynh chúng tôi dù muốn kèm cặp, hướng dẫn cho con tiếp thu tri thức cũng thật sự khó khăn.

hoc them nhu cau co that
Tác dụng tích cực của việc học thêm với học sinh là các em sẽ được thầy cô bồi dưỡng kiến thức. Ảnh: Phi Hùng

Thêm vào đó, tiêu chuẩn đánh giá, kiểm tra năng lực của học sinh ngày nay, cũng khác so với thế hệ chúng ta ngày trước. Việc cho các con tham gia vào các lớp học thêm để thầy cô bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng thông qua các dạng đề mô phỏng, bài tập nâng cao hoặc khái quát lại vấn đề là hoàn toàn cần thiết.

Cũng bởi, bất kỳ bộ môn nào cũng cần người học chú tâm rèn luyện. Tất nhiên, sẽ có nhiều người phản bác rằng học sinh có thể tự học và rèn luyện tại nhà. Tôi không phủ nhận vấn đề này nhưng đó là trường hợp các em học sinh ngoan, có ý thức học tốt.

Riêng các em học kém, lười biếng, không có ý thức trong quá trình học thì việc tự học hoàn toàn không có khả năng tiến hành một mình. Thêm vào đó, đại đa số các em học sinh đều còn nhỏ tuổi, hay mê chơi, dẫn đến sao nhãng trong suốt quá trình học nên khó đạt được kết quả tốt.

Tác dụng tích cực của việc học thêm với học sinh là các em sẽ được thầy cô bồi dưỡng, đặc biệt là những học sinh có sức học yếu. Ngoài ra, những em có năng khiếu, say mê với bộ môn, nếu được bồi dưỡng thêm sẽ phát huy được trí thông minh và khả năng tiếp nhận của mình.

Đối với nhiều gia đình mà cha mẹ không có nhiều thời gian như chúng tôi, việc học thêm cũng góp phần giúp giúp gia đình quản lý chặt chẽ hơn trẻ em ngoài giờ lên lớp, đặc biệt là ở TPHCM và nhiều thành phố khác, vốn có rất nhiều “cạm bẫy” đối với trẻ em. Học thêm, nhìn nhận ở góc độ xã hội, là một nhu cầu thực tế của không ít gia đình. Nếu giáo viên đứng lớp không dạy học, nhiều bậc phụ huynh vẫn có nhu cầu thuê gia sư, người quen… để kèm cặp trẻ.

Mặc dù, khi xét ở khía cạnh tiêu cực, nếu các giáo viên không có tâm tiến hành dạy thêm tràn lan, sẽ gây cảm giác phân biệt đối xử với học sinh có tham gia và không tham gia lớp học. Tuy nhiên, bất kỳ sự việc nào cũng có hai mặt của nó. Cá nhân tôi đã từng nhìn thấy rất nhiều giáo viên tận tâm, cố gắng giảng dạy cho các em cả giờ học chính khóa lẫn học thêm. Thậm chí, nhiều trường hợp các em gặp gia cảnh khó khăn, không có đủ điều kiện kinh tế để đến lớp, các thầy cô vẫn sẵn sàng miễn giảm, giúp đỡ học sinh.

Thêm vào đó, thu nhập của giáo viên tương đối thấp, nếu chỉ trông chờ vào đồng lương thì cũng chẳng còn bất kỳ loại tiền. Do đó, việc dạy thêm có thể xem là một trong những công việc phù hợp, giúp thầy cô kiếm thêm ít tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình của họ. Chỉ khi cuộc sống của người thầy được đảm bảo tốt thì người thầy mới có thể lo tốt chuyện trường lớp. Cá nhân tôi cho rằng giữa rất nhiều xô bồ của xã hội hiện đại thì việc gửi con cho thầy cô để cha mẹ an tâm công tác vẫn là lựa chọn tốt nhất. Bên cạnh đó, đầu tư cho giáo dục vốn dĩ là đầu tư có lời và thông minh nhất.

Điều cốt lõi nhất là vấn đề quản lý các lớp dạy thêm của giáo viên đi đúng hướng, không để tình trạng đối xử, phân biệt của giáo viên đối với những em học thêm và những em không học thêm mà thôi. Xét cho cùng, việc dạy thêm không xấu mà ngược lại cực kỳ hiệu quả với các em học sinh. Tuy nhiên, các lớp học thêm nên xuất phát từ nhu cầu học tập chính đáng của số đông học sinh, được sự đồng tình của phụ huynh và có quản lý chặt chẽ của ngành giáo dục và các cơ quan nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm