Hôm nay, bắt đầu lưu thông qua hầm Thủ Thiêm

Từ 6 giờ ngày 21-11, hầm Thủ Thiêm chính thức được khai thác, mở ra con đường ngắn nhất kết nối trung tâm TP với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo bước đột phá trong quy hoạch giao thông đô thị.

Trước đó, chiều 20-11, TP.HCM long trọng tổ chức lễ thông xe hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn và toàn tuyến đại lộ Đông Tây. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và khách mời nước ngoài đã có mặt tại buổi lễ, trong đó có ngài Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Tham dự buổi lễ còn có đại diện các hộ dân bị giải tỏa để thực hiện dự án.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu: Việc thông xe toàn tuyến đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn có ý nghĩa rất lớn về giao thông, kinh tế, xã hội… đối với TP. Đại lộ Đông Tây dài gần 22 km đi qua tám quận, huyện. Toàn tuyến có 11 cây cầu, hai nút giao lớn và tám cây cầu dành cho người đi bộ. Tất cả hệ thống cầu đường này đều được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế và công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. “Hạng mục nổi bật, tiêu biểu nhất trên toàn tuyến đại lộ này chính là hầm vượt sông Sài Gòn. Đây không chỉ là công trình có quy mô lớn mà còn đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật” - ông Quân nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá việc thông xe hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây tạo thành trục giao thông kết nối TP.HCM với các vùng kinh tế, góp phần hoàn thiện quy hoạch để TP.HCM phát triển bền vững. Đây còn là sự kiện quan trọng bởi nghị quyết của Đảng đã xác định việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng là bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội. “Việc đưa vào sử dụng công trình này là một minh chứng cho quan hệ hợp tác bền vững giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản. Nhân sự kiện này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn đến chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã tài trợ vốn để thực hiện dự án” - Phó Thủ tướng nói.

Hôm nay, bắt đầu lưu thông qua hầm Thủ Thiêm ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cắt băng khánh thành hầm dìm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á hiện nay. Ảnh: MP

Hôm nay, bắt đầu lưu thông qua hầm Thủ Thiêm ảnh 2

Các đại biểu cùng người dân phấn khởi đi bộ tham quan hầm Thủ Thiêm. Ảnh: MP

Ngài Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện thông hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông Tây. Ông cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược và hỗ trợ Việt Nam trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. “Dự án đại lộ Đông Tây hoàn thành sẽ tạo điều kiện tốt để khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển hơn nữa trong tương lai. Tôi mong rằng từ dự án này, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh hơn nữa” - đại sứ Nhật Bản bày tỏ.

Sau lễ thông xe, lúc 17 giờ ngày 20-11, khoảng 2.500 người dân đã được phép đi bộ (hầm Thủ Thiêm cấm người đi bộ) vào tham quan hầm dìm hiện đại nhất Đông Nam Á. Phấn khởi, vui mừng, tự hào… là những cảm xúc được họ bày tỏ với Pháp Luật TP.HCM.

Ông Trần Minh Mẫn ngụ phường An Phú, quận 2 cho biết: Bốn thế hệ của gia đình ông đã sinh sống ở phường An Phú, quận 2 thuộc khu vực buộc phải giải tỏa. Nhận thức được đây là dự án quan trọng cho sự phát triển của TP, gia đình ông nhanh chóng bàn giao diện tích nhà, đất phục vụ việc thi công dự án. “Hiện gia đình tôi đã ổn định cuộc sống sau khi được bố trí tái định cư. Hôm nay, tôi rất phấn khởi vì TP xây dựng được công trình hiện đại, hình thành một trục giao thông thuận tiện, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân. Bản thân tôi cũng cảm thấy vui mừng và hãnh diện vì được đóng góp một phần nhỏ vào dự án” - ông Mẫn bày tỏ.

Hôm nay, bắt đầu lưu thông qua hầm Thủ Thiêm ảnh 3

Từ hôm nay (21-11), hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn chính thức được đưa vào khai thác. Ảnh: HTD

Chung cảm xúc với ông Mẫn, ông Bùi Tống Hoàng, tổ 1, khu phố 1, phường An Phú, quận 2, cho biết: “Gia đình tôi bị giải tỏa một phần đất có giá trị cao vì nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Thị Định. Khi tận mắt tham quan hầm dìm này, tôi rất phấn khởi vì TP đã hoàn thành những công trình hiện đại, nhiều ý nghĩa. Như thế này thì chúng tôi không lấy gì làm luyến tiếc cả”.

Qua hầm Thủ Thiêm cần chú ý gì?

Hầm Thủ Thiêm dài 1.490 m (phần dìm dưới sông dài 370 m). Ước tính mỗi ngày có khoảng 30.000 lượt xe lưu thông qua hầm. Từ phía quận 1 muốn vào hầm các xe phải vào tuyến đường chính đại lộ Võ Văn Kiệt. Ở phía quận 2, các loại xe từ Cát Lái, Lương Định Của, liên tỉnh lộ 25B… đều phải vào đại lộ Đông Tây để vào hầm Thủ Thiêm. Một hướng khác là có thể qua cầu Thủ Thiêm để vào đại lộ Đông Tây rồi vào hầm.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm, cho hay: Ô tô con và ô tô khách không bị giới hạn thời gian qua hầm. Mô tô và xe máy chỉ được qua hầm từ 6 giờ đến 21 giờ. Xe tải dưới 2,5 tấn hoặc có tổng trọng tải dưới năm tấn (xe tải nhẹ) được qua hầm từ 8 giờ đến 16 giờ và từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Xe tải từ 2,5 tấn trở lên hoặc có tổng trọng tải từ năm tấn trở lên (xe tải nặng) được qua hầm từ 0 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Người đi bộ, xe đạp, xe 3-4 bánh tự chế, xe bánh xích, xe chở súc vật sống, xe vận chở hàng độc hại, chất dễ cháy, nổ… bị cấm qua hầm. Khi qua hầm tốc độ của ô tô tối đa 60 km/giờ, tối thiểu là 30 km/giờ. Khoảng cách giữa các xe cùng làn tối thiểu 30 m. Mô tô, xe máy chỉ được chạy tối đa 40 km/giờ.

Tất cả các loại xe khi vào hầm bị cấm dừng, đỗ xe trong hầm, cấm vượt, bấm còi, bật đèn ưu tiên, bật đèn ở chế độ chiếu xa và các loại đèn có ánh sáng mạnh. Do tiếng ồn trong hầm khá cao, người đi xe máy nên dùng loại mũ bảo hiểm (hoặc thiết bị) chụp tai.

Những con số ấn tượng

11.000 hộ dân ở các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh; hơn 370 cơ quan, đơn vị phải di dời để thi công dự án. Tổng giá trị bồi thường, di dời, giải tỏa gần 5.000 tỉ đồng.

Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện công trình tăng từ gần 9.870 tỉ đồng ban đầu lên đến 16.000 tỉ đồng, trong đó có 65% vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản.

Sau gần bảy năm thực hiện, dự án đã “ngốn” 61.000 tấn thép, 450.000 m3 bê tông, đào đắp 3 triệu m3 đất, xây dựng hơn 1 triệu m2 diện tích mặt đường.

Có hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân và hàng ngàn lao động tham gia thực hiện dự án với tổng cộng 5,1 triệu ngày công. Dự án còn có trên 400 chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia với gần 7.500 ngày công để nghiên cứu, thiết kế và triển khai dự án.

__________________________________________

Khi chưa có tuyến đại lộ Đông Tây, đa số người dân sống trên đường Hàm Tử, Trần Văn Kiểu phải ở trong những căn nhà tạm bợ, lụp xụp, nhếch nhác. Thực tế có một số hộ dân ban đầu chưa đồng tình giải tỏa nhưng đa số còn lại đều ủng hộ TP thực hiện dự án nhằm kéo giảm kẹt xe, cải tạo cảnh quan, môi trường… Sau khi bị giải tỏa, chúng tôi được bố trí tái định cư, được vay vốn làm ăn và đến nay đã ổn định cuộc sống.

Ông TRẦN THANH QUANG, phường 13, quận 5

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm