Chiều 29-11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị 37 năm 2019 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Quan hệ lao động dần ổn định
Tại hội nghị, ông Trần Xuân Điền, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, cho biết năm năm qua, Thành ủy TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai trong hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, đã dần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; kịp thời ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ lao động, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn có chuyển biến tích cực; ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp tốt hơn, giảm thiểu được số vụ vi phạm pháp luật lao động, góp phần đảm bảo quyền lợi công nhân, người lao động.
Tỉ lệ doanh nghiệp lập tổ chức công đoàn, ký thỏa ước lao động tập thể, đăng ký thang bảng lương, nội quy lao động được nâng lên. TP.HCM đã phát huy có hiệu quả cơ chế chủ động ngăn ngừa các vụ tranh chấp lao động tập thể có thể dẫn đến đình công tự phát. Các hoạt động an sinh xã hội cho người lao động ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Dù vậy, theo Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, vẫn còn một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, chưa đảm bảo các quy định về trả lương, thưởng, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.
Vẫn còn doanh nghiệp cố tình trì hoãn, tránh né hoặc không chấp hành quyết định xử phạt, khiến việc xử lý bị kéo dài và khó thực hiện. Còn tình trạng nợ BHXH, vi phạm quyền lao động của một số doanh nghiệp chưa được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định pháp luật. Tình trạng ngừng việc tập thể, đình công không đúng trình tự pháp luật vẫn còn xảy ra.
Chỉ ra nguyên nhân khách quan, ông Trần Xuân Điền cho rằng những tác động tiêu cực của tình hình thế giới đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn phải cắt giảm chi phí về nhân sự, lương bổng; những khó khăn do dịch COVID-19. Cạnh đó là những tác động của chuyển đổi công nghệ và tự động hóa tại nhiều doanh nghiệp đã thay đổi lớn cấu trúc lao động, nhiều công việc truyền thống bị thay thế...
Số lượng lao động trong khu vực phi chính thức ngày càng tăng, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ, công nghiệp nhẹ, người lao động trong khu vực này thường không có hợp đồng lao động rõ ràng và ít được bảo vệ bởi luật pháp, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng quan hệ lao động bền vững.
Về mặt chủ quan, ông Trần Xuân Điền cho rằng vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị trong việc giám sát, điều tiết quan hệ lao động chưa được phát huy đầy đủ...
Thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc, đề nghị các cấp, Ban chỉ đạo, tổ giúp việc từ TP đến 22 quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 37 của Ban Bí thư và Công văn 1123 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới trên địa bàn.
Theo ông, cần xem đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và có vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích các bên trong quan hệ lao động.
Cần xác định việc quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn. Đi liền đó là nâng cao ý thức của người lao động về tác phong, thái độ, kỹ năng lao động.
Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển quan hệ lao động tại TP, giai đoạn 2022-2026 và đề xuất thực hiện giai đoạn 2026-2030. Vì vậy, ông Nguyễn Phước Lộc lưu ý cần chú trọng đến các giải pháp để hoàn thiện theo thẩm quyền về cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động, việc làm, tiền lương, về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện làm việc và các điều kiện, chế độ phục vụ phúc lợi khác.
Bên cạnh đó, sẽ mở rộng đối thoại, thương lượng; ký kết thỏa ước lao động tập thể ở các ngành, nhóm doanh nghiệp có liên quan và hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước theo thẩm quyền của TP.
Đảng Đoàn, Liên đoàn lao động TP.HCM chủ trì, phối hợp, chủ động đề xuất các cơ chế về chương trình xây dựng nhà lưu trú cho người lao động, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng - kỹ thuật xã hội, thiết chế văn hóa tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu vực có đông công nhân, người lao động.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình nhà ở xã hội cho người lao động gắn với đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách về công trình phúc lợi xã hội và các thiết chế công đoàn...
Trong 11 tháng qua, địa bàn TP xảy ra bốn vụ tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể, có 712 người lao động ngừng việc.
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngừng việc giảm 2 vụ và giảm 907 người tham gia. Tính chất các vụ tranh chấp lao động tập thể cũng ôn hòa hơn, không có hiện tượng người lao động bị lôi kéo, kích động, các cuộc ngừng việc tập thể không có dấu hiệu lây lan sang các doanh nghiệp lân cận.
Ông VÕ SĨ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở LĐ-TBXH TP.HCM