Điều kiện để người lao động nước ngoài rút BHXH 1 lần

(PLO)- Lao động nước ngoài khi hết thời gian làm việc tại Việt Nam có thể nộp hồ sơ rút BHXH một lần ngay khi có nhu cầu, khác với lao động Việt Nam cần chờ 12 tháng sau khi nghỉ việc...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-11, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp cùng BHXH TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố.

Tại hội nghị, đại diện BHXH TP.HCM đã lắng nghe và giải đáp trực tiếp các câu hỏi từ doanh nghiệp. Nội dung đối thoại tập trung vào các vướng mắc trong việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến bảo hiểm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý và tuân thủ pháp luật.

lao động nước ngoài 2.JPG
Toàn cảnh hội nghị.

Lao động nước ngoài có thể rút BHXH 1 lần ngay khi nghỉ việc

Tại hội nghị, đại diện một doanh nghiệp đã thắc về vấn đề rút BHXH một lần đối với lao động nước ngoài.

Vị đại diện này cho biết có một nhân viên làm việc tại công ty mẹ ở Nhật Bản chưa tới 12 tháng, được cấp giấy phép lao động để điều chuyển sang công ty con ở Việt Nam theo diện chuyên gia. Nhân viên này nhận lương từ cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam. Phía Việt Nam trả lương thực nhận và chịu toàn bộ thuế cùng chi phí phát sinh, trong khi nhân viên này cũng đang đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ ở Nhật Bản.

Theo đó, doanh nghiệp thắc mắc liệu sau khi về nước làm việc được 2-3 năm, nhân viên này có thể rút BHXH một lần tại Việt Nam và ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục này không.

lao động nước ngoài 1.JPG
Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại buổi đối thoại.

Giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trưởng phòng Chế độ BHXH TP.HCM, cho biết theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 11/2016 quy định lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, nếu không thuộc diện này, người lao động nước ngoài phải tham gia BHXH bắt buộc, hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.

“Lao động nước ngoài khi hết thời gian làm việc tại Việt Nam có thể nộp hồ sơ rút BHXH một lần ngay khi có nhu cầu, khác với lao động Việt Nam cần chờ 12 tháng sau khi nghỉ việc. BHXH TP.HCM cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn các quận, huyện ưu tiên tiếp nhận và xử lý sớm hồ sơ rút BHXH cho lao động nước ngoài.

Ví dụ, nếu có quyết định nghỉ từ ngày 1-12, người lao động có thể nộp hồ sơ trước 10 ngày. Quy định này giúp lao động nước ngoài có thể hoàn tất thủ tục và nhận BHXH một lần thuận lợi trước khi về nước, không yêu cầu đặt lịch và được linh hoạt giải quyết nhanh chóng” - bà Thảo cho hay.

Ngoài ra, người lao động nước ngoài cũng có thể ủy quyền cho người khác hoàn thành thủ tục rút BHXH một lần theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam.

Doanh nghiệp muốn biết tiến độ xử lý hồ sơ BHXH

Cũng tại hội nghị, đại diện một doanh nghiệp khác đã đề xuất BHXH TP.HCM cần xây dựng cơ chế phản hồi nhanh để doanh nghiệp có thể theo dõi được tiến độ cũng như nhận được thông báo định kỳ về tiến độ xử lý hồ sơ.

"BHXH cần thiết lập hệ thống phản hồi tự động hoặc cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp có thể kiểm tra tình trạng hồ sơ và nhận thông báo về bất kỳ vấn đề nào cần bổ sung. Điều này giúp giảm thiểu nhu cầu phải gọi điện nhiều lần để hối thúc" - vị đại diện này nói.

Theo bà Phan Thị Mai, Trưởng phòng Quản lý thu BHXH TP.HCM tiếp thu ý kiến góp ý của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay về mặt quy trình thời hạn chúng tôi đã quy định cụ thể chi tiết và niêm yết lên trang web của cơ quan BHXH” - bà Mai nói.

Cạnh đó, bà Mai cho biết BHXH luôn sẵn sàng lắng nghe và cải tiến hệ thống dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Các yêu cầu cần hỗ trợ có thể được gửi qua các kênh như tổng đài hỗ trợ, cổng thông tin trực tuyến, hoặc qua ứng dụng di động.

Theo Nghị định số 143/2018, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc khi đáp ứng hai điều kiện chính:

  1. Có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp.
  2. Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (theo quy định tại Nghị định số 11/2016 hoặc người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu (theo Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019) sẽ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm