Quốc hội gỡ khó cho đầu tư, tài chính qua phân cấp phân quyền

(PLO)- Với việc thông qua các dự án luật “một luật sửa nhiều luật”, Luật Đầu tư công (sửa đổi), nhiều “điểm nghẽn” trước đây đã chính thức được gỡ khó.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bằng việc thông qua các luật “một luật sửa nhiều luật” và Luật Đầu tư công (sửa đổi), Quốc hội (QH) ngày 29-11 đã chính thức quyết định nhiều chính sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư - kinh doanh. Chủ trương phân cấp, phân quyền mà Trung ương xác định được thể hiện rõ nét trong các đạo luật này.

Các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý những dự luật này đều xác định là tuân thủ chủ trương đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, bám sát thực tiễn, tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao năng lực thực thi. Đặc biệt, các đạo luật này đều có những nội dung giao Chính phủ, các bộ quy định nội dung theo thẩm quyền để kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

Quốc hội gỡ khó cho đầu tư, tài chính qua phân cấp phân quyền một luật sửa nhiều luật
Các đại biểu biểu quyết thông qua các dự án một luật sửa nhiều luật. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nâng quy mô vốn dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỉ đồng

Luật Đầu tư công (sửa đổi) là một thay đổi mạnh mẽ về tư duy phân cấp, phân quyền khi thể chế hóa các chính sách đặc thù đã được QH cho phép rải rác trước đây. Chẳng hạn như các chính sách về tách bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập, giao một tỉnh thực hiện dự án đi qua nhiều tỉnh…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay các chính sách này Chính phủ đã báo cáo bổ sung và nhấn mạnh tình hình triển khai thực tế, yêu cầu thực tiễn cũng như đề xuất của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua cho thấy các chính sách này là khả thi, hiệu quả.

Quá trình thảo luận trước đó, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc điều chỉnh quy mô dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỉ đồng như Chính phủ trình. Tuy vậy, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy việc áp dụng tiêu chí 10.000 tỉ đồng cho dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công đã được áp dụng từ năm 1997. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế của nước ta hiện nay đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2013; nguồn lực đầu tư công đã và đang được tập trung cho các dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có tính lan tỏa cao.

“Việc nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỉ đồng nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện luật” - ông Lê Quang Mạnh trình bày và thay mặt Ủy ban Thường vụ QH xin được giữ như phương án Chính phủ trình.

Không chỉ vậy, chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C phân cho UBND các cấp được Ủy ban Thường vụ QH cho rằng là một “thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp”. Để bảo đảm tính chặt chẽ, luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất” của UBND.

“Với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, xin báo cáo QH cho phép quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý” - Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nói.

Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này còn phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương từ Ủy ban Thường vụ QH xuống cho Thủ tướng để việc này được thực hiện thường xuyên hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn.

quoc-hoi-go-kho-cho-dau-tu-tai-chinh-qua-phan-cap-phan-quyen-le-quang-manh-mot-luat-sua-nhieu-luat.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chính thức có “thủ tục đầu tư đặc biệt”

Điểm nổi bật nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa bốn luật) là cho phép thủ tục đầu tư đặc biệt. Cùng với quan điểm của Chính phủ và nhiều đại biểu (ĐB) QH, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy thủ tục đầu tư đặc biệt là chính sách mới nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, luật đã bổ sung khu công nghệ thông tin tập trung và khu thương mại tự do vào địa bàn được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt.

Theo “một luật sửa bốn luật”, nhà đầu tư được “lựa chọn đăng ký đầu tư” theo thủ tục đặc biệt này nếu đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế và hai địa bàn được bổ sung ở trên. Các lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt là các ngành mới nổi như bán dẫn, chip, vi mạch; công nghệ cao...

Thành phần hồ sơ để được đăng ký áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt cũng đơn giản hơn và “được gửi cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đánh giá hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

Như vậy, chủ trương của Chính phủ về phân cấp, phân quyền xuống cho cả Ban quản lý các khu công nghiệp, chế xuất, công nghệ cao… đã được QH chấp thuận.

Về dự án theo hợp đồng BT, theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng hiện hợp đồng BT đã được thí điểm tại một số địa phương với quy định khác nhau về lĩnh vực, quy mô dự án và phương thức thanh toán nhưng chưa được tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng. Do đó, chưa đủ cơ sở để luật hóa các quy định về cơ chế, trình tự, thủ tục của hợp đồng BT tại dự thảo luật.

Tuy vậy, để tạo cơ sở pháp lý triển khai các dự án BT, “một luật sửa bốn luật” chỉ quy định các nguyên tắc cơ bản về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư theo ba hình thức là thanh toán bằng quỹ đất, thanh toán bằng ngân sách nhà nước và không yêu cầu thanh toán.

“Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế hợp đồng BT đối với các hình thức thanh toán trên” - ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Giải trình của Ủy ban Thường vụ QH cũng tiếp thu ý kiến của ĐBQH về việc tiếp tục quy định thẩm quyền của Thủ tướng thành lập hội đồng thẩm định liên ngành; quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chi phí bồi thường và cho phép các bên thỏa thuận, thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán chi phí này….

Các dự án BT cũng được hưởng quy định tách bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập. Đồng thời, Nhà nước có thể góp vốn tối đa 70% theo tiêu chí địa bàn và chuyển giao công nghệ.

Không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất

Trong quá trình thảo luận về luật “một luật sửa bảy luật”, ý kiến của các ĐBQH đã đề cập thêm hai luật cần sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, “một luật sửa bảy luật” trở thành “một luật sửa chín luật”. Hai luật được bổ sung là Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Tên của luật này sau khi được bổ sung là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Đáng chú ý, việc sửa đổi, bổ sung khoản 10a Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước về chi đầu tư công, chi thường xuyên thực hiện một số nhiệm vụ, dự án được nhiều ĐBQH nhất trí nhưng đề nghị thu hẹp phạm vi nhiệm vụ sử dụng chi thường xuyên hoặc giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Còn với việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được đánh giá là sẽ có tác động tốt trong việc xử lý các tài sản công như nhà, đất… Mục tiêu của việc bổ sung này là để làm căn cứ triển khai thực hiện hình thức chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý.

Cùng với đó, việc điều chỉnh các quy định liên quan tới việc sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công của doanh nghiệp nhà nước được Ủy ban Thường vụ QH đồng tình với Chính phủ và khẳng định “sẽ không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quản lý, sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước”.

Với việc QH bấm nút thông qua “một luật sửa chín luật” thì khoản 1 Điều 98 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được viết thành: “Việc quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tương tự, khoản 2 Điều 99 của luật này sẽ được bổ sung thêm cụm từ “không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm