Ngày 23-8, bốn ngân hàng lớn gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động với biên độ từ 0,3-0,5%/năm ở hàng loạt kỳ hạn.
Cụ thể, tại Vietcombank lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng giảm 0,3% đưa lãi suất lần lượt xuống còn 3%/năm, 3,8%/năm và 4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng giảm 0,5%/năm, từ 6,3% xuống còn 5,8%/năm.
Tương tự, VietinBank và BIDV cũng có mức giảm tương tự, đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 5 tháng cao nhất là 3,8%/năm, từ 6 tháng đến dưới 11 tháng chỉ còn 4,7%/năm và từ 12 tháng trở lên cùng áp dụng chung một mức lãi suất cao nhất là 5,8%/năm.
Tại Agribank, lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng cũng được niêm yết tương đồng với BIDV, VietinBank, Vietcombank. Tuy nhiên, riêng lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng trở đi chỉ còn 5,5%/năm và là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường hiện nay.
Ảnh minh họa |
Như vậy, sau lần điều chỉnh này, lãi suất kỳ hạn ngắn từ 1 đến dưới 6 tháng tại bốn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thấp hơn nhiều so với trần lãi suất huy động do Ngân hàng Nhà nước quy định là 4,75%/năm.
Đối với nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất tiền gửi cũng liên tục điều chỉnh giảm. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại MBB (5,9%/năm), VIB (5,9%/năm), Eximbank (5,6%/năm), MSB (5,2%/năm), ACB (5,2%/năm), An Bình bank (5,3%/năm), OCB (6,2%/năm), VPBank (6,2%/năm), PVCombank (6,2%/năm), Sacombank (6,50%/năm), BaoVietBank (6,5%/năm, NCB (6,9%/năm)… Điều này cho thấy lãi suất huy động 7%/năm dường như đã biến mất khỏi thị trường.
Lãi suất huy động giảm trong bối cảnh Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Trong đó đặc biệt giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện nhiều chính sách, giải pháp nhưng tín dụng mới chỉ có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7 có dấu hiệu chững lại.
Cụ thể, tính đến hết 7 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6% giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất yếu.