Hôm nay, ngày 13-7, quốc hội Thái Lan sẽ nhóm họp để bầu thủ tướng mới để lãnh đạo đất nước trong vòng bốn năm tới, tờ Bangkok Post đưa tin.
Để trở thành thủ tướng, các ứng cử viên phải có sự chấp thuận của ít nhất 376 phiếu bầu ở cả Hạ viện và Thượng viện.
|
Lãnh đạo MFP - ông Pita Limjaroenrat trong ngày quốc hội Thái Lan nhóm họp bầu thủ tướng hôm 13-7. Ảnh: Athit Perawongmetha/REUTERS |
Ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) hiện là ứng viên thủ tướng hàng đầu. Sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5, đảng của ông Pita đã giành chiến thắng với 151 ghế trong Hạ viện Thái Lan.
Đảng Tiến bước sau đó đã thành lập chính phủ liên minh với 7 đảng khác. Liên minh này hiện chiếm 312 trong tổng số 500 ghế của Hạ viện Thái Lan. Do đó, ông Pita cần 64 phiếu ủng hộ để trở thành thủ tướng tiếp theo.
Trong khi đó, đảng Dân chủ, chính đảng lâu đời ở Thái Lan, cho biết tất cả 25 hạ nghị sĩ của đảng này sẽ bỏ phiếu trắng khi quốc hội bỏ phiếu chọn thủ tướng mới hôm nay. Nghị sĩ đảng Dân chủ Sunatcha Lohsathapornpipi nói đảng của bà sẽ không ủng hộ ứng cử viên của một đảng thúc đẩy sửa đổi Mục 112 của Bộ luật Hình sự hay còn gọi là luật khi quân.
Đảng Bhumjaithai - đảng xếp thứ ba trong cuộc bầu cử vừa qua - cũng tuyên bố sẽ không ủng hộ việc sửa đổi luật khi quân. Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha với 36 ghế trong Hạ viện cũng đã đồng ý không bỏ phiếu cho ông Pita trở thành thủ tướng tiếp theo.
Quy trình bầu thủ tướng
Theo kênh Channel News Asia, phiên họp quốc hội Thái Lan để bầu thủ tướng bắt đầu vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 13-7. Các đảng có ít nhất 25 hạ nghị sĩ có thể đề cử một ứng viên đại diện đảng tranh cử chức thủ tướng và việc đề cử phải được ít nhất 50 hạ nghị sĩ tán thành.
Chủ tịch Hạ viện Wan Muhamad Noor Matha cho hay các hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ sẽ có cơ hội tranh luận trong vòng 6 tiếng trước khi bỏ phiếu. Vào hôm nay, ông Pita sẽ tham dự phiên họp toàn thể của quốc hội Thái Lan để trình bày tầm nhìn của ông trước các nghị sĩ trước khi cuộc bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào lúc 17 giờ cùng ngày.
|
Toà nhà quốc hội Thái Lan. Ảnh: Athit Perawongmetha/REUTERS |
Mỗi hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ sẽ được gọi tên để bỏ phiếu bằng cách nói tên của ứng cử viên mà họ ủng hộ. Ai nhận được hơn 375 phiếu bầu sẽ trở thành thủ tướng. Trong trường hợp không ai nhận đủ số phiếu bầu, Thượng viện và Hạ viện sẽ cần phải lên lịch bỏ phiếu lại.
Trong trường hợp quốc hội không bầu ra thủ tướng từ danh sách các ứng viên thì ít nhất một nửa số thành viên của cả hai viện có thể yêu cầu quốc hội khởi động một quy trình cho phép bầu một “thủ tướng bên ngoài” với điều kiện người này phải nhận được sự ủng hộ của hai phần ba số nghị sĩ tại quốc hội.
Đoạn đường còn khá chông chênh
Người dân Thái Lan đang dồn sự tập trung vào cuộc bầu cử thủ tướng hôm nay để biết liệu lãnh đạo đảng MFP có thể trở thành thủ tướng tiếp theo hay không. Tuy nhiên hai sự kiện mới đây đã làm triển vọng trở thành thủ tướng của ông Pita thêm phần khó đoán định.
Vào ngày 12-7, một ngày trước phiên họp quan trọng của quốc hội Thái Lan, Uỷ ban bầu cử (EC) của nước này đã quyết định chuyển vụ ông Pita bị khiếu nại về việc nắm giữ cổ phiếu trong công ty truyền thông lên Tòa án Hiến pháp để đưa ra phán quyết. EC cũng đề xuất đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita.
Theo EC, ông Pita bị khiếu nại về việc nắm giữ 42.000 cổ phiếu trong công ty truyền thông ITV Public Company. Theo tờ The Nation, Hiến pháp Thái Lan quy định chủ sở hữu, cổ đông của các công ty truyền thông không được tham gia tranh cử.
|
Ông Pita Limjaroenrat và các nghị sĩ Thái Lan hôm 3-7. Ảnh: REUTERS |
ITV điều hành một kênh truyền hình chính thống từ năm 1998 nhưng bị mất quyền phát sóng vào năm 2007. Ông Pita cho rằng việc ITV mất quyền phát sóng khiến nó không còn là một công ty truyền thông nữa. Ông Pita cũng cho hay ông đã chuyển nhượng cổ phần của mình trong ITV cho người thân vào tháng 5.
Tuy nhiên trong quyết định mới đây, EC nói rằng có đầy đủ bằng chứng chứng minh ông Pita quy phạm quy định bầu cử, do đó vụ việc đã ngay lập tức được đệ trình lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan sau khi Chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong phê duyệt.
Sự kiện thứ hai là vào cuối ngày 12-7, Tòa án Hiến pháp đã tiếp nhận đơn kiện chống lại MFP và ông Pita về chính sách gây tranh cãi của đảng này liên quan luật khi quân. Đơn kiện do một luật sư có tên Theerayut Suwankesorn đệ trình, cho rằng chính sách này vi phạm Mục 49 hiến pháp Thái Lan, trong đó cấm mọi người sử dụng các quyền và tự do của mình để lật đổ chế độ quân chủ.
Phản ứng với động thái bất ngờ của EC, đảng của ông Pita chỉ trích cơ quan bầu cử này bỏ qua các quy trình điều tra. Tổng Thư ký MFP - ông Chaithawat Tulathon khẳng định cho dù phán quyết của Tòa án Hiến pháp ra sao đi nữa, liên minh 8 đảng vẫn sẽ đoàn kết và ủng hộ ông Pita trở thành thủ tướng.
Trong khi đó, ông Pita cho biết ông không nao núng trước quyết định của EC và bày tỏ tin tưởng rằng thượng viện sẽ đưa ra quyết định đúng đắn.
Theo kênh Channel News Asia, trong trường hợp Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết truất tư cách nghị sĩ của ông Pita thì ông vẫn có thể được đề cử vào vị trí thủ tướng vì theo hiến pháp Thái Lan, một ứng cử viên thủ tướng không nhất thiết phải là nghị sĩ.
Tuy nhiên giới quan sát nhận định động thái của EC ngay sát ngày bầu cử thủ tướng có thể ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của các nghị sĩ.