Ngày 14-3, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực công tác nội chính và căn cước công dân, định danh điện tử, dữ liệu dân cư.
Tại hội nghị, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đã báo cáo quá trình 2 năm triển khai thực hiện đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030) của Chính phủ.
Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân; từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tiếp xúc, nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham những vặt".
Trong lĩnh vực ngân hàng đã ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ xác thực, làm sạch 47 triệu dữ liệu, giúp kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ, xác thực chính xác chủ thể tham gia giao dịch.
Phối hợp hoàn thiện giải pháp chấm điểm khả tín khách hàng vay, giúp ngành ngân hàng đánh giá hạn chế rủi ro trong quá trình cho vay tín chấp, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, giảm thời gian, quy trình xác minh, đẩy nhanh quá trình giải ngân.
Người dân có nhu cầu vay vốn dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống, qua đó, giảm rủi ro phải vay "tín dụng đen".
Đối với lĩnh vực viễn thông đã xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin thuê bao di động cho 3 nhà mạng viễn thông (Vinaphone, Viettel, Mobifone) với 102 triệu yêu cầu xác thực theo hình thức trực tuyến; 5 nhà mạng viễn thông (ASIM, Itel, Vietnamobile, Gtel Mobile, Mobicast) theo hình thức offline với 311,656,000 yêu cầu xác thực. Góp phần chuẩn hóa thông tin thuê bao di động phục vụ công tác quản lý nhà nước, giảm rủi ro khi mở đăng ký, mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử, đăng ký thực hiện các dịch vụ công. Loại bỏ dần tình trạng “sim rác", tội phạm lừa đảo, đe dọa, vu khống…
Ứng dụng dữ liệu dân cư trong xác nhận lịch sử cư trú cho 1,2 triệu học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023. Đảm bảo chính xác việc xác nhận điểm ưu tiên vùng. Hạn chế tình trạng tiêu cực trong thi cử.
Phối hợp, khẳng định dữ liệu dân số Việt Nam tính đến tháng 4-2023 là trên 104,7 triệu người.
Đối với phần mềm Quản lý cư trú, hàng ngày, lực lượng Cảnh sát khu vực thực hiện tất cả nghiệp vụ cư trú (thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng) cho người dân trên phần mềm, do vậy 1 cán bộ Cảnh sát khu vực có thể nắm được thông tin cư trú của người dân trên địa bàn.
Từ đó, đưa ra các cảnh báo “đỏ” để xác định thông tin truy nã, người đang chấp hành án, có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cai nghiện bắt buộc; tạm giam, tạm giữ.
Cảnh báo thường 37 diện đối tượng khác như tha tù, sưu tra, tệ nạn xã hội, truy tìm, án treo, cải tạo không giam giữ,....
Đối với phần mềm Tố giác, tin báo về tội phạm hàng ngày, Công an cấp xã thực hiện tiếp nhận, xác minh, giải quyết các vụ việc xảy ra trên địa bàn và cập nhật trên phần mềm.
Từ đó Cơ quan điều tra có thể nắm tình hình, giám sát việc tiếp nhận, giải quyết vụ việc, đảm bảo công tác chấp hành pháp luật của Công an cấp xã.
Công an cấp xã đã cập nhật 238.027 tin, trong đó có 157.355 tố giác, tin báo và 80.672 tin an ninh trật tự; chuyển CQĐT khởi tố 11.202 đối tượng.
Đã tăng hiệu quả giải quyết Tố giác, tin báo; hạn chế giấu vụ việc; thống kê, phân tích số liệu chính xác theo địa bàn, thời gian.
Bộ Công an triển khai thiết kế kỹ thuật 3 hệ thống (dân cư, căn cước, định danh điện tử) dựa trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí” với nhiều thiết bị, hệ thống máy chủ, mạng, bảo mật được nhập từ Mỹ, EU,.. và đều được kiểm soát, kiểm tra kỹ bảo đảm an ninh an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Công tác bảo mật dữ liệu dân cư được đặt lên mức cao nhất và luôn được theo dõi, giám sát hàng ngày, hàng giờ tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Có thể khẳng định việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời mang lại giá trị tiện ích phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, công tác phòng chống tội phạm với 5 giá trị rất lớn là: Cung cấp dữ liệu xác thực; Số hóa trên nền tảng dân cư; Làm sạch; Cắt giảm các giấy tờ, rút ngắn thời gian và Cung cấp báo cáo tổng hợp từ dân cư…”, đại diện C06 chia sẻ.