Quái thú Chimera - heo lai người tưởng chỉ có trong thần thoại Hy Lạp suýt nữa đã có thể xuất hiện ở hiện tại. Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu sinh học Salk (bang California, Mỹ) mới đây đã hủy hàng loạt phôi thai heo được tiêm tế bào gốc của người. Nếu không bị hủy, các phôi thai này nhiều khả năng sẽ trở thành các cá thể heo lai người mang hình hài heo nhưng các cơ quan nội tạng bên trong lại là của con người.
Theo thông tin từ tạp chí Cell, trong bốn năm, hai nhà sinh vật học Juan Carlos Izpisua Belmonte và Jun Wu tại Viện Salk đã tiêm tế bào người gốc - chiết từ da hoặc máu - tỉ lệ một tế bào người/10.000 tế bào heo vào hơn 2.000 phôi bào heo. Sau đó đưa phôi bào vào tử cung heo mẹ. Hơn 150 phôi phát triển. Sau 28 ngày, các phôi thai được đưa ra khỏi tử cung heo để nghiên cứu, sau đó bị hủy.
Nuôi dưỡng nội tạng cấy ghép cho người
Quan điểm nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Salk là thông qua thời gian 28 ngày nghiên cứu sự tiếp xúc của tế bào heo và người, không để các phôi thai biến thành heo lai người.
“Mục tiêu cao nhất là nuôi dưỡng các cơ quan và nội tạng có đầy đủ chức năng, có thể cấy ghép được cho con người. Mục tiêu này vẫn còn rất xa mới đạt được. Đây chỉ là bước đầu quan trọng” - theo GS Belmonte.
Con số bệnh nhân cần được cấy ghép nội tạng trên toàn cầu gia tăng hằng giờ, hằng ngày. Mỗi ngày có hàng ngàn người chết trước khi được ghép nội tạng. Ngoài khai thác nội tạng, các cá thể heo lai người cũng có thể được khai thác chế biến thuốc điều trị bệnh như chiết xuất insulin điều trị tiểu đường.
Dù các nhà khoa học Viện Salk đã hủy phôi thai heo lai người nhưng nghiên cứu của họ đã dấy lên rất nhiều tranh cãi và lo ngại.
Thuộc luồng ý kiến ủng hộ, GS Daniel Garry, trưởng một dự án nghiên cứu heo lai người ở ĐH Minnesota (Mỹ), cho rằng đây là bước tiến lớn của khoa học. Ông cho biết rất bất ngờ trước quy mô nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Salk khi lượng phôi bào heo thử nghiệm quá lớn và trong thời gian dài.
PGS Pablo Ross tại ĐH California (Mỹ) cho rằng các nhà khoa học Viện Salk hoàn toàn có lý khi chọn heo làm thử nghiệm vì nội tạng heo có kích thước tương tự nội tạng người.
Nhà nghiên cứu tế bào Hiromitsu Nakauchi tại ĐH Stanford (Mỹ) và ĐH Tokyo (Nhật) từng tiêm tế bào sống của người vào phôi bào cừu nhưng không thành công. Theo ông, từ thử nghiệm của các nhà khoa học Viện Salk có thể tin tưởng việc tạo ra nội tạng từ người và động vật cũng như cấy ghép chúng cho người là hoàn toàn có thể và an toàn.
Phôi thai heo lai người lúc được bốn tuần tuổi. Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Sẽ có những hồn người xác heo?
Nhà đạo đức sinh học Hak Greely (Mỹ) cho rằng thử nghiệm của các nhà khoa học Viện Salk hạ thấp nhân phẩm con người, đánh đồng con người với các động vật bậc thấp. Không loại trừ ngoài tim, gan, phổi... heo lai người còn có não, suy nghĩ của con người và sẽ là một thảm họa nếu linh hồn người bị trói buộc trong thân xác một con heo - vốn vẫn được xem là thực phẩm của con người.
Ngoài ra, không ai dám chắc các nội tạng của người trong cơ thể heo sẽ phát triển thế nào khi thời gian mang thai của heo chỉ 112 ngày, còn người tới hơn chín tháng. Liệu các nội tạng người có phát triển hoàn chỉnh với thời gian ngắn như thế?
Theo chuyên gia về tế bào Ke Cheng tại ĐH North Carolina (Mỹ), nội tạng người một khi được “sản xuất” như vậy sẽ bị đào thải rất nhanh khi được cấy vào cơ thể người. Nhận định này được chính GS Belmonte tại Viện Salk đồng ý, rằng sẽ phải mất hàng năm để tạo ra được nội tạng người có thể cấy ghép được.
Nhiều bệnh nhân đã từng và cả chưa được cấy ghép nội tạng đều phản đối thử nghiệm này. Theo ông Bob, người từng hai lần phẫu thuật ghép gan, con người có đủ nội tạng để chia sẻ cho nhau, không cần đến động vật, biện pháp tối ưu là kêu gọi quyên góp nội tạng nhiều hơn nữa. Bệnh nhân Olivia cho biết bà phản đối mạnh viễn cảnh sẽ có các “trang trại nội tạng người”.
Dám thử nghiệm tiếp có thể phải ngồi tù
Tại Anh, phần lớn người dân không ủng hộ lai tạo các động vật khác với người dù chỉ để lấy nội tạng cấy ghép. Ngoài tranh cãi về đạo đức, họ lo ngại việc này có thể mở đường cho những loại bệnh vốn chỉ có ở động vật lây sang con người.
Quốc gia châu Á Nhật cấm hẳn các thử nghiệm này. Các tổ chức ủng hộ động vật cũng phản đối ý tưởng tạo ra loại heo lai người này.
Hiện Quốc hội Mỹ đang cân nhắc ra luật cấm nghiên cứu tạo ra heo lai người tương tự nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Salk. Cá nhân vi phạm có thể bị 10 năm tù cộng với khoản phạt 1 triệu USD. Ngành y tế Mỹ đang theo dõi chặt các thử nghiệm khoa học, phòng khả năng sẽ lại có một thử nghiệm tương tự. Năm 2015, Viện Y tế quốc gia Mỹ ngưng tài trợ cho mọi thử nghiệm khoa học gây tranh cãi, trong đó có thử nghiệm tạo ra heo lai người.
Tuy nhiên, nếu chính phủ Mỹ không nhanh chóng ra luật cấm, nhiều khả năng sẽ vẫn có thử nghiệm tương tự xảy ra. Thử nghiệm của các nhà khoa học Viện Salk được thực hiện với nguồn tài trợ tư nhân.
Từ cừu lai cừu thành… heo lai người Các động vật lai thực ra đã xuất hiện từ 10 năm trước với sự ra đời của cừu Dolly. Cừu Dolly được tạo ra tại Viện Nghiên cứu Roslin dưới sự tài trợ của chính phủ Anh. Các nhà khoa học đã đưa một tế bào gốc của một con cừu cái thuộc giống Dorset Phần Lan vào một noãn bào của một con cừu cái thuộc giống Blackface. Sau đó đưa phôi bào vào tử cung một con cừu khác. Khi ra đời cừu Dolly có hình dáng giống cừu Dorset Phần Lan. Tuy nhiên, việc lai giữa heo và người thì đây là lần đầu tiên. Ghi nhận nỗ lực của các nhà khoa học Viện Salk trong thử nghiệm heo lai người, GS Bruce Whitelaw, Quyền Giám đốc Viện Nghiên cứu Roslin tại ĐH Edinburgh (Anh), nhận định 10 năm để tiến triển từ cừu lai cừu thành heo lai người là một điều khó khăn. |