HS phạm luật giao thông: Vắng CSGT, đâu lại vào đó!

Các em đi xe máy, xe máy điện không đúng độ tuổi, không có bằng lái, không đội mũ bảo hiểm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ khá nhiều. Các cơ quan chức năng địa phương và nhà trường cũng chẳng thể nào kiểm soát nổi.

Có em nhà cách trường nửa cây số cũng đòi cha mẹ mua xe máy bằng được. Các loại xe máy cũ nát gia cố, độ chế lại được học sinh các huyện đồng bằng tận dụng tối đa, chạy loạn trên đường. Vào năm học mới chưa được bao lâu, tình trạng học sinh, nhất là bậc THPT đi xe máy đến trường và vi phạm luật giao thông càng phức tạp hơn. Nhiều hàng quán, nhà dân ở gần trường học lấn chiếm luôn vỉa hè để giữ xe cho học sinh. Giờ tan trường, mỗi em một chiếc, dàn hàng tán chuyện hoặc lượn xe đùa giỡn, đi đường thì phóng nhanh, lạng lách, tống ba, tống bốn… khiến người khác thót tim và nghĩ tốt nhất là tránh xa “đám choai choai” này.

Đáng lo là số vụ tai nạn giao thông do học sinh đi xe máy gây ra ngày càng nhiều. Riêng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, từ Tết Nguyên đán đến nay đã xảy ra bảy vụ tai nạn giao thông vì học sinh đi xe máy khiến một em tử vong, bảy em bị thương. Mới đây, một học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Chánh (huyện Sơn Tịnh) đi xe máy gây tai nạn khiến một phụ nữ gãy chân. Giáo viên ở các trường THPT Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Tuấn, Lê Trung Đình, Mộ Đức số 2… cũng rất ngao ngán trước ý thức tham gia giao thông rất kém của các em. Xuất phát từ thói đua đòi, háo thắng của tuổi trẻ, cộng thêm sự dễ dãi, chiều chuộng thái quá của các phụ huynh nên vấn nạn học sinh lạm dụng xe máy, gây mất an toàn giao thông đang gia tăng trên địa bàn tỉnh.

Trong vai trò, trách nhiệm của mình, ngành giáo dục, các trường học đã cố gắng tuyên truyền, giáo dục, mời CSGT về trường sinh hoạt, cho học sinh và phụ huynh ký cam kết về thực hiện an toàn giao thông, hằng tuần đều nhắc nhở trong giờ chào cờ, sinh hoạt lớp… nhưng vẫn không thay đổi được nhiều. Học sinh nghe đó nhưng khi bước ra đường, các em hành động hoàn toàn khác, quên hết trách nhiệm, chỉ còn sự ham vui và bất chấp của tuổi trẻ.

Tôi cho rằng ngoài nỗ lực của nhà trường, việc siết chặt quản lý của từng gia đình là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, công tác tuần tra, xử lý vi phạm của CSGT, TTGT phải thường xuyên, đồng bộ, nghiêm khắc hơn, cần có thông báo thông suốt về gia đình, nhà trường để các bên cùng phối hợp, rèn luyện các em. Đầu tháng 3, CSGT TP Quảng Ngãi có hai buổi “canh” bắt vi phạm giao thông, trong đó có đối tượng học sinh ở gần cầu Bầu Sắt và ngã tư phường Trương Quang Trọng. Mấy ngày sau, tình hình vi phạm giao thông nơi đây cải thiện rõ. Thế nhưng một thời gian dài sau đó không thấy các chú công an đâu, mọi thứ đâu lại vào đấy.

Tháng 9 là cao điểm thực hiện an toàn giao thông nhưng nhà trường, thầy cô ở đây vẫn đang đau đầu, lo lắng trước vấn nạn học trò đi xe máy đến trường, tiếp tục vi phạm luật giao thông. Cần lắm sự phối hợp của quý phụ huynh, cơ quan chức năng và điều không thể thiếu là ý thức tự giác của mỗi em vì an toàn của bản thân, cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm