Hướng xử lý hàng ngàn xe máy bị bỏ quên ở nhà xe

(PLO)- Đối với hàng ngàn xe bị bỏ quên ở nhiều nhà xe trên địa bàn TP.HCM, lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM cho rằng nếu quyết tâm sẽ có phương án giải quyết thỏa đáng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước tình trạng các nhà xe tại TP.HCM như nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất, Bến xe Miền Đông (BXMĐ), Bến xe Miền Tây (BXMT) chứa hàng ngàn xe bị bỏ quên, chủ các nhà xe đã gửi công văn tới cơ quan chức năng đề nghị được hướng dẫn xử lý.

Chủ các nhà xe cầu cứu

Ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc BXMĐ (quận Bình Thạnh), cho biết trước tình trạng 300 xe bị bỏ quên, nhà xe đã có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị được hướng dẫn xử lý.

Phản hồi, Sở Tài chính thông tin hoạt động giữ xe giữa BXMĐ và người gửi là hoạt động giao dịch dân sự, các phương tiện nhận trông giữ (xe máy) không phải là tài sản thuộc sở hữu nhà nước nên không thuộc phạm vi quản lý và không thuộc chức năng, nhiệm vụ của sở. Đề nghị BXMĐ căn cứ quy định pháp luật hiện hành, quy chế, hợp đồng trông giữ xe nếu có… để xử lý.

Các chủ nhà xe đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị hướng dẫn xử lý các xe bị bỏ quên. Ảnh: Đ.TRANG

Các chủ nhà xe đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị hướng dẫn xử lý các xe bị bỏ quên. Ảnh: Đ.TRANG

Trước đó, BXMĐ cùng từng gửi danh sách hàng trăm xe khách hàng bỏ lại cho Công an quận Bình Thạnh để rà soát, đối chiếu nhằm phát hiện các trường hợp xe gian, xe không có giấy tờ. Đồng thời đề nghị các cơ quan công an có phương án bố trí, thu gom, di dời số lượng xe này nhưng phương án này cũng không khả quan. Nguyên nhân, cơ quan công an không có cơ sở giải quyết bởi đây là các giao dịch dân sự giữa nhà xe và khách hàng của mình.

Tương tự, tại BXMT (quận Bình Tân), ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh BXMT, cho biết đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan liên quan để xin phương án giải quyết 700 xe bị bỏ quên, song vẫn chưa có phản hồi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Vận hành nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất, cũng thông tin: “Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có hướng dẫn kịp thời để xử lý hàng trăm xe nằm bãi lâu năm”.

Nếu quyết tâm làm sẽ có phương án thỏa đáng

Về vấn đề trên, trao đổi với PV, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết tình trạng trên là vướng mắc của nhiều bãi giữ xe công cộng.

Để giải quyết vấn đề này, ông Minh cho rằng các đơn vị quản lý bãi giữ xe cần tiến hành kiểm đếm, trích xuất, thống kê số xe gửi bao nhiêu, thời gian trong bao lâu mà người gửi không đến nhận. Tiếp đến, đề xuất với cơ quan chức năng quản lý hành chính, quản lý phương tiện giao thông xác lập xe có vi phạm giao thông, xe gian lận, xe vô chủ. Bước xác lập này sẽ mất nhiều thời gian do gửi thông tin về địa phương nơi chủ xe đăng ký giấy tờ xe.

Bước cuối, gửi thông tin về Sở Tài chính để có hướng dẫn xử lý như đấu giá tài sản vô chủ. “Thời gian qua, sở đã có hướng dẫn xử lý tài sản bị tịch thu; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu… Nếu quyết tâm làm sẽ có phương án xử lý thỏa đáng vấn đề này” - ông Minh nói.

Lãnh đạo Sở Tài chính cũng lưu ý các đơn vị vận hành, quản lý bãi giữ xe cần có quy chế hoạt động chặt chẽ, rõ ràng để ràng buộc người gửi xe trong bao lâu, cơ chế xử lý xe gửi quá hạn ra sao. Vì đa phần bãi giữ xe đều ngắn hạn, vượt quá thời gian giao dịch sẽ có phương án xử lý.

Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị bỏ quên

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hiểu: Những chiếc xe được chủ sở hữu hoặc người sử dụng mang đến gửi ở các bãi giữ xe, hết thời hạn quy định tại các bãi xe nhưng họ không đến nhận lại thì có thể coi đây là trường hợp chủ sở hữu của tài sản đã bỏ quên.

Điều 230 Bộ luật Dân sự quy định: Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Nếu không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Lãnh đạo Sở Tài chính lưu ý các đơn vị vận hành, quản lý bãi giữ xe cần có quy chế hoạt động chặt chẽ, rõ ràng để ràng buộc người gửi xe.

Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Thẩm quyền để ra quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản trường hợp này sẽ do chủ tịch UBND cấp huyện theo khoản 7 Điều 7 Chương II Nghị định 29/2018. Theo đó, hết thời hạn một năm kể từ ngày thông báo mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì người có thẩm quyền ra quyết định xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản nói trên. Sau khi tài sản được xác lập sở hữu toàn dân, chủ sở hữu sẽ không có quyền đòi lại tài sản.•

Nhà xe nên xây dựng nội quy rõ ràng

Theo luật sư, các xe gửi tại nhà xe và bị bỏ quên không thể xem là xe vô chủ. Ảnh: Đ.TRANG

Việc gửi, giữ xe ở sân bay hay bến xe như báo phản ánh là quan hệ dân sự - hợp đồng gửi, giữ tài sản thông qua phiếu giữ xe. Theo khoản 4 Điều 558 Bộ luật Dân sự 2015: “Bên giữ tài sản có quyền bán tài sản gửi, giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi. Tuy nhiên, cần báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản”.

Mặt khác, các xe bị bỏ quên hiện nay không thể xác lập là xe vô chủ. Nó có chủ sở hữu và được đăng ký rõ ràng nên cần phải xác định đó là tài sản có chủ. Tuy nhiên, để đơn vị trông giữ xe liên lạc được với chủ xe là rất khó khăn. Cho nên các bãi giữ xe nên xây dựng nội quy gửi, giữ thật kỹ trong trường hợp này để tự bảo vệ mình.

Ví dụ, trên thẻ vé phải ghi rõ thời gian bao lâu lấy xe, khi hết thời gian lấy xe thì chủ xe cần chủ động liên lạc để gia hạn việc gửi, giữ. Trường hợp chủ xe không liên lạc để gia hạn việc gửi, giữ trong thời hạn nhất định thì bên giữ xe có quyền bán hoặc tiêu hủy xe theo cách đã nêu trong nội quy.

Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍ (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm