TAND TP.HCM vừa ra phán quyết hủy án sơ thẩm vụ
tranh chấp tiền thưởng giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Hồng Hương (SN 1956, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) với bị đơn là Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (trụ sở quận 1).
Người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong
vụ án là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Vinatex có liên quan vì trước đây bà Hương là giám đốc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinatexmart là đơn vị hạch toán phụ thuộc Vinatex.
Tháng 4-2015, Vinatex nhượng bán vốn và bàn giao Công ty Vinatexmart cho Vincommerce. Vincommerce trước khi chuyển đổi là Công ty cổ phần siêu thị Vinmart.
Bà Hương đi kiện là vì cho rằng dù đã bán doanh nghiệp nhưng Vinatex vẫn không chi trả quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động.
HĐXX phúc thẩm nhận định nguyên đơn có yêu cầu tính lãi khoản tiền chậm trả, có đơn bổ sung nhưng cấp sơ thẩm lại không đề cập, giải quyết. Đồng thời TAND quận 1 cũng chưa xác minh, thu thập chứng cứ liên quan việc chi quỹ năm 2012-2014 và không triệu tập ban lãnh đạo Vinatex cũ để làm rõ việc chi quỹ...
Từ những việc trên xét chưa thể giải quyết được triệt để các vấn đề vụ án nên cần hủy án giao về cho cấp sơ thẩm xử lại.
Như
PLO đã thông tin, bà Hương cho rằng Vinatex công bố giá trị doanh nghiệp của Công ty Vinatexmart và xác định số dư quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi là hơn 11,5 tỉ đồng. Theo quy định, số dư quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi sẽ được chia hết cho người lao động có mặt tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 1.643 người trong đó có bà Hương. Thế nhưng Công ty Vinatexmart và Vinatex không chia.
Tháng 4-2015, dù đã bán doanh nghiệp nhưng Vinatex vẫn không chi trả quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động. Trong quá trình giải quyết quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, Vinatex tuyên bố Công ty Vincommerce phải có nghĩa vụ chi trả cho người lao động. Tháng 11-2017, Vincommerce thông báo chi trả quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi với số tiền 6,68 tỉ đồng theo đề xuất của Vinatex.
Theo bà Hương, việc Vincommerce chi trả quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi số tiền trên đã gây thiệt hại cho bà. Thay vì nhận được số tiền gần 45 triệu đồng trên tổng số 11,5 tỉ đồng thì bà chỉ nhận được gần 26 triệu đồng. Vì vậy bà Hương khởi kiện Vincommerce về việc chia quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi...
Bị đơn cho rằng báo cáo
tài chính kiểm toán tính đến ngày 31-12-2014, số dư quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi kế thừa tại thời điểm nhận chuyển nhượng là khoản 1,275 tỉ đồng.
Vì vậy Vincommerce chỉ có nghĩa vụ chi trả số tiền dư quỹ này cho người lao động còn làm việc ở Công ty Vinatexmart vào thời điểm cuối năm 2014. Bà Hương đã nghỉ hưu từ đầu năm 2012, được giải quyết đầy đủ các chế độ liên quan và không khiếu nại, thắc mắc gì.
Vincommerce đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của bà Hương đòi chi trả quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi trên số tiền hơn 11,5 tỉ đồng.
Đại diện Vincommerce còn cho rằng công ty không có quan hệ lao động với bà Hương. Nhưng theo đề xuất của Vinatex, Công ty Vincommerce đồng ý bỏ thêm số tiền 5,4 tỉ cộng với số dư quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi 1,275 tỉ trước đó chi trả cho người lao động.
Thực tế, Vincommerce đã chi trả được 1.396 người lao động. Vincommerce đã thông báo nhưng bà Hương không đến nhận. Và đại diện Vinatex vẫn giữ nguyên
ý kiến yêu cầu khởi kiện của bà Hương đề nghị tòa án không xem xét vì không có căn cứ.
Xử sơ thẩm, TAND quận 1 chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Hương. Từ đó buộc Vincommerce phải có nghĩa vụ chi trả số dư quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho bà Hương 5 triệu đồng (trên quỹ 1,27 tỉ đồng). Đồng thời, tòa ghi nhận sự tự nguyện Vincommerce hỗ trợ, chi trả quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho bà thêm 20,8 triệu đồng. HĐXX không xét yêu cầu của nguyên đơn đòi Vincommerce bồi thường thiệt hại do chi trả trễ hạn.
Không đồng tình bà Hương có kháng cáo bản án trên. Đáng chú ý trong giai đoạn sơ thẩm, sau khi bà Hương nộp đơn khởi kiện tòa thụ lý thì bà Hương được ủy quyền của hơn 570 người lao động đi đòi tiền thưởng.
Tuy nhiên, tòa quận 1 cho rằng mỗi người phải tách riêng vụ án không thể có ủy quyền như vậy.