Hủy án vụ hủy hoại rừng có dấu hiệu oan

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xét xử giám đốc thẩm, tuyên chấp nhận kháng nghị của VKSND cùng cấp, hủy hai bản án của TAND tỉnh Tây Ninh và TAND huyện Tân Biên để điều tra, xét xử lại vụ Phan Thành Mạnh bị kết án về tội hủy hoại rừng.

Ông Phan Thành Mạnh. Ảnh: CTV

Bị cáo kêu oan từ đầu
Trước đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành kháng nghị giám đốc thẩm vì cho rằng cấp sơ thẩm và phúc thẩm xử lý Mạnh về tội hủy hoại rừng là không đúng và cũng không đủ định lượng để xử lý hình sự. Theo kháng nghị này thì bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội bị cáo là có dấu hiệu oan.
Đây là vụ ánPháp Luật TP.HCM từng có bài phân tích việc kết tội của tòa án sơ thẩm và phúc thẩm là khiên cưỡng.
Theo hồ sơ, cuối tháng 9-2012, Ban quản lý (BQL) khu rừng văn hóa - lịch sử Chàng Riệc ký hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng với ông Lê Ngọc Tuyên 5,8 ha đất trồng rừng thuộc phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng tỉnh Tây Ninh.
Đến năm 2014, ông Tuyên tự ý lập hợp đồng viết tay sang nhượng diện tích rừng nêu trên cho Phan Thành Mạnh tiếp tục chăm sóc cây rừng và canh tác trồng xen cây nông nghiệp.
Từ năm 2015 đến 2018, bị cáo Mạnh trồng xen cây khoai mì trên toàn bộ diện tích rừng đã sang nhượng. Do cây rừng phát triển nhanh, che ánh sáng của cây khoai mì nên Mạnh đã chặt 939 cây rừng (gồm cây dầu, sao, keo) với diện tích hơn 9.500 m2, trị giá 86 triệu đồng.
Bị cáo Mạnh bị khởi tố, truy tố về tội hủy hoại rừng. Tháng 6-2020, TAND huyện Tân Biên xử sơ thẩm đã tuyên xử phạt Mạnh ba năm tù. Bị cáo Mạnh kháng cáo kêu oan, hai tháng sau TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Chưa đủ định lượng để xử lý hình sự
Bị cáo Mạnh tiếp tục kêu oan, cho rằng mình không phạm tội. Từ đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Theo VKS, quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án này có nhiều vi phạm, thiếu sót.
Cụ thể, tại biên bản xác định diện tích rừng bị hủy hoại vào năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên và BQL rừng kết luận mật độ cây trồng theo thiết kế tại lô 29 khoảnh 2 và lô 36 khoảnh 4, tiểu khu 15 là 980 cây/10.000 m2 (ha).
Như vậy, về tiêu chí mật độ cây trồng trên phần đất trồng rừng tại hai lô trên là không đạt 1.000 cây/ha trở lên theo Thông tư số 34/2009 của Bộ NN&PTNT. Cơ sở xác định đất có rừng trồng tại hai lô trên thực tế là không đạt được tiêu chí để trở thành rừng theo Điều 3 và khoản 1 Điều 9 Thông tư số 34/2009.
Cũng theo VKS, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tây Ninh căn cứ vào kết luận của Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên và BQL rừng về việc rừng trồng tại lô 29 và lô 36 đã thành rừng để quy kết bị cáo Mạnh hủy hoại rừng đặc dụng là không đúng.
Đất rừng đặc dụng được phân làm ba loại: Đất có rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, đất có rừng đặc dụng là rừng trồng và đất đang được sử dụng để phát triển rừng đặc dụng.
Vào năm 2012, phần đất rừng đặc dụng tại lô 29 và lô 36 khu rừng Chàng Riệc là đất trống, được BQL khu rừng giao khoán cho ông Tuyên trồng mới rừng để phát triển rừng đặc dụng.
Do vậy, khi cây trồng trên đất rừng đặc dụng tại hai lô trên chưa thành rừng thì chỉ có thể xem xét, xử lý Mạnh về hành vi hủy hoại cây trồng chưa thành rừng theo điểm a khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 (không phụ thuộc vào khu rừng đó là loại rừng gì). Tuy nhiên, với diện tích đất trồng rừng bị xâm hại mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định thì không đủ định lượng để xử lý hình sự bị cáo Mạnh
Đã khởi kiện vụ án dân sự
Ngày 22-1, trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, vợ chồng ông Mạnh cho biết đã khởi kiện vụ án dân sự vợ chồng ông Tuyên ra TAND huyện Tân Biên.
Theo đơn kiện, vợ chồng ông Mạnh yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất và cây rừng nhận khoán hơn 11 ha và đất trống 0,5 ha tại đất của khu dự án rừng văn hóa - lịch sử Chàng Riệc giữa ông Mạnh và ông Tuyên là vô hiệu, buộc ông Tuyên trả lại số tiền đã nhận là hơn 1,2 tỉ đồng. Hiện TAND huyện Tân Biên đã thụ lý vụ án và đang trong quá trình giải quyết vụ kiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới