Hủy án vụ nhân viên điện lực Biên Hòa tham ô gần 10 tỉ

TAND cấp cao tại TP.HCM vừa chấp thuận kháng cáo của các bị cáo Vũ Hoàng Đang (nguyên là nhân viên Điện lực Biên Hòa) và Hồ Thanh Trúc (nguyên là nhân viên của Ngân hàng An Bình) hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Theo TAND cấp cao tại TP.HCM, bị cáo Đang và Trúc bị tòa sơ thẩm quy kết về tội tham ô tài sản, chiếm đoạt 9,7 tỉ đồng và hai bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền thất thoát này. Mặc dù, trước đó xét xử phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai yêu cầu làm rõ số tiền cụ thể từng bị cáo chiếm đoạt là bao nhiêu nhưng cơ quan điều tra không tiến hành làm rõ. Đây là cơ sở để cá thể hóa hình phạt khi lượng hình cũng như xác định trách nhiệm dân sự buộc từng bị cáo phải bồi thường.

Cũng theo TAND cấp cao tại TP.HCM, số tiền thất thoát chỉ được xác định bằng các tài liệu, báo cáo kiểm tra nội bộ do Điện lực Biên Hòa lập ra, chưa được tiến hành thực hiện kiểm toán tài chính của cơ quan kiểm toán. Do vậy, cần phải tiến hành kiểm toán tài chính để xác định cụ thể số tiền bị thất thoát do từng bị cáo đã chiếm đoạt mới đủ căn cứ để định tội và xác định mức hình phạt đối với từng bị cáo.

Bị cáo Đang và Trúc (áo sọc) tại tòa. Ảnh: T.D

Những vấn đề nêu trên việc điều tra ở cấp sở thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Do đó, cần hủy án sơ thẩm điều tra lại.

Trước đó, trong các phiên tòa xét xử, cả bị cáo Đang và Trúc đều kêu oan về tôi tham ô tài sản, cho rằng chỉ có hành vi làm sai quy định, quy trình của ngành điện lực dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Tại bản án phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM cũng cho rằng xét thấy hợp đồng dịch vụ thu hộ tiền điện giữa Điện lực Biên Hoà và Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình không trái quy định pháp luật. Tuy nhiên theo lời khai của các bị cáo, lời khai của nguyên đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan cho thấy quá trình thực hiện hợp đồng có những cách làm không bình thường có dấu hiệu của sự chiếm dụng và tạo điều kiện chiếm dụng vốn giữa hai bên ký hợp đồng, hơn thế nữa đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo.

Cụ thể, hợp đồng thu hộ tiền điện quy định khách hàng của điện lực khi nhận được hoá đơn tiền điện, nộp tại Ngân hàng cổ phần An Bình. Ngân hàng thu tiền sau đó chuyển vào tài khoản điện lực. Ở đây ngân hàng cử Hồ Thanh Trúc nhân viên của ngân hàng đến Điện lực Biên Hoà trực tiếp thu tiền mặt của khách hàng nộp tiền điện. Điện lực Biên Hòa cử Vũ Hoàng Đang nhân viên phòng thu ngân của điện lực cùng với Trúc thu tiền. Cuối ngày Đang và Trúc đối chiếu số tiền đã thu trong ngày thể hiện trên các hoá đơn. Sau đó, Đang viết phiếu nộp tiền theo mẫu của ngân hàng và ký tên ở mục người nộp tiền. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao phải làm vậy? Đã là dịch vụ thu tiền hộ tại sao cán bộ điện lực trực tiếp thu tiền sau đó đem nộp cho ngân hàng để rồi ngân hàng chuyển lại cho điện lực?

Ngoài ra, TAND Tối cao tại TP.HCM còn khẳng định qua chứng cứ tại hồ sơ lời khai của các bị cáo, tại phiên toà phúc thẩm cho thấy Ban lãnh đạo Điện lực Biên Hoà có dấu hiệu phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Việc ký hợp đồng với ngân hàng An Bình và tổ chức thực hiện hợp đồng thu hộ tiền điện có nhiều vấn đề chưa được làm rõ? Đây là hợp đồng dịch vụ thu tiền điện hay cho ngân hàng An Bình vay số tiền thu được của khách hàng tiêu thụ điện, được ngụy trang bằng hợp đồng dịch vụ thu nợ tiền điện? Vấn đề này cần được làm rõ. Từ đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm kiến nghị Ban nội chính tỉnh ủy Đồng Nai, các cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10-5, luật sư bảo vệ cho bị cáo Đang đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm của Ngân hàng An Bình trong việc thu giữ và bảo quản tiền của Điện lực Biên Hòa. Theo luật sư vì đây là nguyên nhân dẫn đến quy kết sai tội danh cho bị cáo Đang, làm nặng nề trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường của Đang.

Theo hồ sơ, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong thời gian từ tháng 9-2009 đến tháng 10-2011, Vũ Hoàng Đang và Hồ Thanh Trúc đã không thực hiện đúng quy định để thực hiện hành vi phạm tội như sau: Đối với khách hàng nộp tiền mặt tại quầy, sau khi thu tiền khách hàng Trúc và Đang thống nhất với nhau không giao nộp hết cho thủ quỹ ngân hàng An Bình mà giữ lại một phần để chiếm đoạt.

Sau đó Đang thực hiện việc chấm xoá nợ cho khách hàng bằng cách lấy số tiền của khách hàng thanh toán bằng hình thức ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu nhưng Đang không chấm xoá nợ hết, để chấm xoá nợ cho khách hàng nộp tiền mặt tại quầy mà Đang và Trúc giữ lại tiền mặt.

Còn đối với khách hàng thanh toán bằng hình thức ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi Đang không cần chấm xoá nợ hết cho tất cả khách hàng mà một số khách hàng Đang chỉ chấm xoá nợ một phần, phần còn lại Đang sử dụng chấm xoá nợ cho khách hàng nộp tiền mặt mà Đang và Trúc giữ lại để chiếm đoạt và khách hàng đã thanh toán bằng ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi từ trước nhưng Đang chưa chấm xoá hết nợ.

Đang lấy ủy nhiệm thu, ủy nhiệm nhiệm chi của khách sau chấm xoá nợ cho khách trước. Bằng các thủ đoạn trên Hồ Thanh Trúc và Vũ Hoàng Đang đã chiếm đoạt số tiền của Điện lực Biên Hoà trên 9,7 tỷ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới