Huyện Củ Chi kỷ niệm 56 năm "Đất thép thành đồng"

(PLO)- Huyện Củ Chi không chỉ có vị trí đặc biệt về quân sự mà còn là nơi sinh ra, nuôi dạy, rèn luyện bao anh hùng. Đó là điều đã tạo nên “Củ Chi đất thép thành đồng”.

Ngày 17-9, huyện Củ Chi phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức kỷ niệm 56 năm ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng” (17-9-1967 – 17-9-2023).

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao hoa chúc mừng cho huyện Củ Chi. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Mở đầu buổi họp mặt, Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM đã bày tỏ tình cảm chân thành và sự biết ơn với Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Nam, đây là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ tuyệt vời của con người Việt Nam nói chung, của nhân dân huyện Củ Chi nói riêng.

Nhớ về những năm lịch sử, ông Nam cho rằng huyện Củ Chi không chỉ có vị trí đặc biệt về mặt quân sự mà còn là nơi đã sinh ra, nuôi dạy, đùm bọc, rèn luyện bao anh hùng, tướng lĩnh. Đó là điều đã tạo nên “Củ Chi đất thép thành đồng”.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trong bối cảnh huyện Củ Chi kỷ niệm 56 năm huyện được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM kỳ vọng huyện Củ Chi tiếp tục nỗ lực, quyết tâm vượt qua thách thức và triển khai có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách, khơi thông nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023.

“Đặc biệt là cần thực hiện tốt các chính sách cho người có công, đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Củ Chi và công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương Củ Chi”- Trung tướng Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ trao hoa chúc mừng cho huyện Củ Chi. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư huyện ủy huyện Củ Chi, sau 48 năm giải phóng, huyện Củ Chi đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển mình trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Ông Thắng cho biết, một số điểm sáng có thể kể đến như đẩy mạnh xây dựng chính quyền địa phương năng động, hiệu quả, gần dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn qua các năm.

Vì thế, kinh tế của huyện Củ Chi phát triển theo hướng tăng nhanh tỉ trọng về ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đô thị. Thu ngân sách nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành của huyện Củ Chi đều tăng qua các năm. Hiện mức thu nhập của người dân đạt trên 64 triệu đồng/người/năm.

Các đại biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 56 năm ngày Củ Chi được phong tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ngoài ra, công tác giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được huyện Củ Chi quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả. Hiện hộ nghèo của huyện chiếm 1,72% tổng số hộ dân.

Bí thư huyện uỷ huyện Củ Chi nhấn mạnh, công tác đền ơn đáp nghĩa là công việc thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Đơn cử, huyện xây mới và sửa chữa 4.489 căn nhà tình nghĩa. Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã vận động các nguồn hỗ trợ 500 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho người có công cách mạng; phụng dưỡng 31 mẹ Việt Nam anh hùng đang còn sống.

“Kết quả đạt được 48 năm qua là sự nỗ lực liên tục của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và dân dân huyện Củ Chi”- ông Nguyễn Quyết Thắng khẳng định và kỳ vọng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện sẽ tiếp tục nỗ lực, biến niềm tự hào thành hành động thiết thực, cụ thể để vượt qua khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới