Những ngày qua nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine vẫn liên tục bị pháo kích, khiến cộng đồng thế giới quan ngại thảm họa hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nga kiểm soát nhà máy từ ngày 4-3 nhưng hoạt động vẫn do các nhân viên Ukraine điều hành. Khu phức hợp hạt nhân ở tiền tuyến phía nam này là một trong những điểm nóng chính trong cuộc xung đột kéo dài hơn sáu tháng qua.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở tỉnh Zaporizhia (Ukraine) ngày 4-8. Ảnh: CNBC |
Ai mới là bên pháo kích Zaporizhzhia?
Theo hãng tin Reuters, ngày 28-8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - tướng Igor Konashenkov cáo buộc phía Ukraine có hành động “khủng bố hạt nhân” khi liên tục bắn pháo, tên lửa vào nhà máy Zaporizhzhia trong 24 giờ qua. Tổng cộng có 17 quả đạn pháo được phóng đi, rơi xuống ba khu vực lưu trữ nhiên liệu và chất thải hạt nhân từ khu vực Marhanets, vùng Dnipro. Tại khu vực đó, Nga đã phát hiện và phá hủy pháo M-777 do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Ukraine.
Về phía mình, Ukraine tố Nga pháo kích nhà máy và cáo buộc Nga có hành động “tống tiền hạt nhân” với Ukraine và toàn bộ châu Âu. Phía Ukraine cho rằng Nga đang làm gia tăng nguy cơ thảm họa hạt nhân và sử dụng nhà máy như lá chắn để mở rộng tấn công ra những khu vực lân cận.
Hiện chưa xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ nào nhưng với tần suất bị tấn công ngày càng dày thì thảm họa hạt nhân từ nhà máy Zaporizhzhia có thể xảy ra bất cứ khi nào. Điều này khiến người dân Ukraine tại các khu vực lân cận đang phải sống trong sự hoang mang, sợ hãi. Công ty điện hạt nhân nhà nước Energoatom của Ukraine - đơn vị vận hành nhà máy dưới sự bảo vệ và kiểm soát của Nga cho biết nhân viên của họ “đang chịu áp lực ngày một tăng khi các vụ tấn công diễn ra”.
Theo Thống đốc tỉnh Zaporizhia (nơi đặt nhà máy Zaporizhzhia) - ông Oleksandr Starukh, các lực lượng Nga đã tấn công nhiều tòa nhà dân cư ở khu vực, cách nhà máy khoảng 2 giờ lái xe và thị trấn Orikhiv xa hơn về phía đông. Ông còn nói với truyền thông Ukraine rằng người dân đang được hướng dẫn cách sử dụng muối trong trường hợp phóng xạ bị rò rỉ. Nga chưa bình luận về thông tin này.
“Hiện các nhân viên kỹ thuật đang theo dõi toàn thời gian tình trạng kỹ thuật và đảm bảo hoạt động của nhà máy. Tình hình bức xạ trong khu vực nhà máy điện hạt nhân vẫn bình thường” - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - ông Igor Konashenkov cập nhật về tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngày 28-8.
Phái đoàn IAEA chuẩn bị sang nhà máy Zaporizhzhia
Hiện Nga và Ukraine đều mong muốn đại diện của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sớm đến nhà máy Zaporizhzhia để đánh giá tình hình. Tổng giám đốc cơ quan này - ông Rafael Grossi mới đây thông báo sẽ dẫn đầu một phái đoàn thanh sát viên đến đây.
Tính cả ông Grossi thì phái đoàn thanh sát viên IAEA gồm 14 chuyên gia, đại diện cho các nước có quan điểm trung lập, trong đó có một số nước lớn như Trung Quốc, Pháp, không có Mỹ, Anh. Ông Grossi đăng một bức ảnh chụp chung với nhóm 13 người đội nón và áo khoác không tay mang biểu tượng của cơ quan.
Suốt nhiều tháng qua, ông Grossi liên tục cảnh báo về “nguy cơ hiện hữu của một thảm họa hạt nhân” và yêu cầu Nga tạo điều kiện để các thanh sát viên IAEA đến nhà máy Zaporizhzhia, theo tờ The Washington Post. Theo IAEA, hiện phóng xạ tại khu vực nhà máy vẫn bình thường, hai trong sáu lò phản ứng của nhà máy vẫn đang hoạt động song vẫn chưa có đánh giá toàn diện nào được đưa ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý để một nhóm thanh sát viên độc lập có thể tới nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm 20-8 sau cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo.
Ban đầu Ukraine lo ngại chuyến thăm của IAEA sẽ hợp pháp hóa việc Nga kiểm soát nhà máy nhưng sau đó thay đổi quan điểm và ủng hộ phái đoàn IAEA tới địa điểm này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26-8 thúc giục IAEA cử phái đoàn tới Zaporizhzhia càng sớm càng tốt.•
Nếu nhà máy Zaporizhzhia phát nổ, thiệt hại sẽ ra sao?
GS khoa học hạt nhân Kathryn Higley thuộc ĐH Oregon (Mỹ) nhận định chỉ một vụ nổ hạt nhân cũng đã dễ dàng xóa sổ toàn bộ một TP, theo hãng tin AP.
“Khó có thể khẳng định TP này sẽ sống sót còn TP kia thì không. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào quy mô vũ khí (hạt nhân), địa hình, nơi chúng (vũ khí hạt nhân) được kích hoạt, hướng gió” - chuyên gia này cho biết.
Khi một quả bom hạt nhân được kích hoạt, nó sẽ tạo ra một luồng sáng, hình thành nên một quả cầu lửa hình cam khổng lồ và tạo ra sóng xung kích có thể làm đổ các tòa nhà. Những người ở trung tâm của vụ nổ (trong phạm vi gần 1 km với một quả bom 300 kiloton) có thể thiệt mạng ngay lập tức, còn những người ở khu vực xung quanh có thể bị bỏng cấp độ 3.
Một vụ nổ hạt nhân 1.000 kiloton có thể mở rộng phạm vi những người bị bỏng cấp độ 3 thêm 8 km, mở rộng phạm vi những người bị bỏng cấp độ 2 thêm 10 km và mở rộng phạm vi những người bị bỏng cấp độ 1 thêm 6 km, theo ước tính của trang AsapScience. Những người ở khoảng cách 85 km có thể bị mù tạm thời.