Indonesia là quốc gia thải rác vào đại dương nhiều thứ hai trên thế giới. Giờ đây, một số cư dân của thủ đô Jakarta, bất mãn trước cả “biển rác” được thải ra mỗi ngày ở khắp các đô thị, đã tìm cách tự tiếp cận vấn đề nhức nhối này.
Nổi bật trong số đó là Hamidi, một "nhà khởi nghiệp xanh” trẻ. Lo ngại trước tình hình rác thải, anh đã tìm cách biến nhựa phế thải thành nhiên liệu đốt.
Hamidi đã bắt đầu sáng kiến biến chất thải thành năng lượng của mình một năm trước tại TP Tangerang các Jakarta 25 km về phía tây. Anh cho biết: "Lúc đầu tôi chỉ muốn tự khởi nghiệp nhưng dần dần tôi tìm hiểu về vấn đề rác thải ngày càng nặng trong môi trường và tôi nghĩ rằng đây là vấn đề cần phải được giải quyết."
Anh là một trong số nhiều cá nhân cùng các tổ chức phi chính phủ đang kêu gọi thắt chặt quản lý chất thải, cũng như vận động chính quyền địa phương hỗ trợ chi phí cho các dự án tương tự.
Hamidi có thể tái chế được hơn 25 kg chất thải hằng ngày bằng cách đốt cháy nhựa và chưng cất hơi nước thành nhiên liệu lỏng. Hầu hết các hộ gia đình ở Jakarta không tái chế hoặc bán cho những người thu gom rác thải để họ tiếp tục bán cho các nhà máy xử lý rác.
"Nhà khởi nghiệp xanh” Hadimi đang chế tạo nhiên liệu từ rác thải nhựa
Indonesia là một quốc gia phát thải nhựa phế liệu lớn nhất thế giới. Chỉ riêng Jakarta với dân số hơn 10 triệu người, đã thải ra một lượng rác có thể lấp đầy nhiều sân bóng mỗi ngày.
Mỗi ngày, một bãi rác ở ngoại ô TP nhận hơn 6.000 tấn rác thải từ Jakarta trong khi các cơ sở xử lý chất thải lại không đạt đến năng suất cần thiết, dẫn đến tình trạng nhiều núi rác thải đang đe dọa nghiêm trọng đến y tế và môi trường của TP.
Hiện nay, nhiều TP lớn tại Indonesia đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt không gian sống. Trước tình hình đó, chính quyền đã lên kết hoạch thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành quản lý chất thải tại địa phương.
Theo giới chuyên gia, động thái này của chính phủ là cứu cánh cần thiết nhằm mang lại cho nước này nhiều công nghệ mới và chuyên gia trong lĩnh vực.
Tháng trước, chính phủ đã ban hành quy định yêu cầu các cửa hàng tại nhiều TP phải áp dụng phí phụ thu là 200 rupiah (tức 0.01 $) cho mỗi túi nhựa. Tuy nhiên, lệ phí này quá nhỏ để có thể răn đe hiệu quả.
"Chính phủ đang làm quá ít không chỉ với nhựa, mà còn trong quản lý chất thải nói chung" - Marco Kusumawijaya của Trung tâm Nghiên cứu đô thị Rujak, Jakarta cho biết.
"Túi nhựa nên bị cấm hoàn toàn vào thời điểm này... và chính phủ tạo điều kiện cho các sáng kiến nhỏ được áp dụng rộng rãi hơn" - ông cho biết.