Việc ASEAN ra tuyên bố chung nêu quan ngại về biển Đông sau Hội nghị đặc biệt các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày 14-6 thật ra là một nhầm lẫn, hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir ngày 15-6.
Trong tuyên bố tựa đề “Tuyên bố truyền thông của các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN” do Bộ Ngoại giao Malaysia công bố ngày 14-6, ASEAN cảnh báo các hoạt động gần đây trên biển Đông tiềm tàng nguy cơ hủy hoại hòa bình. Tuyên bố mô tả các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc đối thoại cởi mở, bộc trực tại hội nghị.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết Ban Thư ký ASEAN đã rút lại tuyên bố để “sửa đổi khẩn”.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir thì nội dung lời lẽ Bộ Ngoại giao Malaysia công bố ngày 14-6 thật ra chỉ là một “hướng dẫn truyền thông” cho các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trình bày tại một cuộc họp báo sau hội nghị, chứ không phải là tuyên bố chung hội nghị.
Người phát ngôn Arrmanatha Nasir cho biết hội nghị giữa các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã kéo dài quá thời gian định trước, cho nên cuộc họp báo sau hội nghị bị hủy bỏ, nhiều bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhanh chóng rời khỏi địa điểm hội nghị.
“Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không có cơ hội bàn bạc sẽ đưa ra nội dung gì với truyền thông".
Ban Thư ký ASEAN ở thủ đô Jakarta (Indonesia) cũng cho biết không có tuyên bố chính thức nào sau hội nghị. AFP cho biết đã liên lạc với phía Malaysia nhưng chưa được trả lời.
Các bộ trưởng tham gia Hội nghị đặc biệt các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Vân Nam (Trung Quốc) ngày 14-6. Ảnh: GETTY IMAGES
AFP dẫn giả thuyết nhiều nhà phân tích đưa ra quanh vụ này. Có ý kiến tin tưởng giải thích của Indonesia rằng vụ đưa tuyên bố chung này đúng là nhầm lẫn. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng ASEAN rút lại tuyên bố vì áp lực của Trung Quốc.
Nhà phân tích chính trị Bridget Welsh tại ĐH Ipek (Thổ Nhĩ Kỳ) tin rằng đây là nhầm lẫn của Bộ Ngoại giao Malaysia. Theo nhận định của bà, các nước ASEAN - trong đó nhiều nước phụ thuộc quan hệ thương mại với Trung Quốc - vốn muốn chờ đến khi Tòa án Trọng tài quốc tế của LHQ ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philippines mới có ý kiến chung về tình hình biển Đông.