Bộ Y tế đang triển khai thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú điều trị bệnh mãn tính kéo dài tối đa 90 ngày.
Nhiều người mắc bệnh mãn tính cho rằng nếu nâng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối thiểu lên 60 ngày thì họ và người nhà sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều.
Nhọc nhằn mỗi tháng đi lấy thuốc
Bà Đinh Thị Mai (61 tuổi, ngụ huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) có tiền sử suy tim, mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, định kỳ hàng tháng bà đều phải đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, cách nhà hơn 100 km để khám bệnh, lấy thuốc.
Nhà xa, lại không muốn phiền con cháu, bà Mai thường một mình bắt chuyến xe ghép đến bệnh viện. Theo bà, có nhiều người tại địa phương cũng phải đến bệnh viện khám định kỳ như mình nên dù sao việc di chuyển cũng không quá bất tiện.
Nhưng do tuổi cao, sức khỏe yếu dần, đi lại nhiều cũng khiến bà Mai mệt mỏi. Cùng với đó, khoản tiền ăn trưa và tiền xe 2 chiều cũng không phải nhỏ.
“Đơn thuốc của tôi rất lâu mới có điều chỉnh về tên thuốc, liều lượng. Nhưng vì tôi mắc nhiều bệnh, cũng lo bệnh tật của mình phức tạp, không nghe theo lịch khám của bác sĩ thì nguy hiểm nên tháng nào tôi cũng đi khám. Nếu có thể, tôi mong được cấp thuốc dài ngày hơn để đỡ thời gian và tiết kiệm chi phí đi lại” - bà Mai bày tỏ.
Đồng hương với bà Mai là bà Nguyễn Thị Minh (55 tuổi). Bà Minh được phát hiện mắc ung thư tuyến ức giai đoạn 1 cách đây hơn 2 năm trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ.
Sau 3 ngày kể từ khi được phẫu thuật cắt khối u tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà Minh được ra viện, hẹn 1 tháng sau tái khám.
Cứ thế, suốt gần 2 năm nay, tháng nào bà Minh cũng cùng con dâu bắt xe khách từ Quảng Bình ra Hà Nội. Hai mẹ con lên xe từ chiều tối hôm trước để sáng sớm hôm sau có mặt tại bệnh viện, bắt đầu lấy số, xếp hàng, chờ đến lượt...
“Bệnh của tôi không cần dùng thuốc nữa do phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Bác sĩ đánh giá tôi đã hồi phục hoàn toàn, những lần kiểm tra định kỳ đều không phát hiện bất thường. Tôi biết bệnh ung thư rất nguy hiểm, nhưng nếu đã ổn định tôi cũng mong không phải đi bệnh viện mỗi tháng nữa” - bà Minh nói.
Không phải di chuyển hàng trăm km như bà Minh và bà Mai, ông Cao Minh Khánh (67 tuổi) là bệnh nhân có “thâm niên” 6 năm điều trị bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên).
Đều đặn mỗi 6 giờ sáng ngày 15 hàng tháng, ông Khánh đều có mặt tại bệnh viện, cách nhà 8 km để đặt sổ, xếp hàng rồi đợi. Đến khoảng 8 giờ sáng, ông sẽ được gọi tên lấy máu làm xét nghiệm.
“Từ lúc lấy máu xong cho đến khi có kết quả khoảng 2-3 tiếng tùy vào bữa đó đông hay vắng bệnh nhân. Khi thời tiết thuận lợi hoặc bận việc gì đó tôi sẽ về nhà, sau đó quay lại lấy kết quả và đi lấy thuốc. Nếu trời mưa hoặc thấy người hơi uể oải, tôi sẽ ngồi đợi có kết quả rồi mới về” - ông Khánh nói.
Nhờ tuân thủ đúng chế độ ăn uống và uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, ông Khánh cho biết chỉ số đường huyết của ông duy trì ổn định. Thuốc được cấp phát hàng tháng hầu như không có điều chỉnh trong hơn 2 năm nay.
Tuy nhiên, bởi thuốc chỉ được cấp phát tối đa trong 30 ngày, nên định kỳ ông Khánh vẫn đến bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm, nhận đơn thuốc.
Ông Khánh chia sẻ thêm, năm 2020, do dịch COVID-19 phức tạp nên bệnh viện cấp thuốc 2 tháng một lần, ông vẫn thấy rất an tâm bởi sức khỏe khá ổn định. Hơn nữa, ông còn thấy nhẹ nhõm, thoải mái vì không phải ôm tâm lý lo sợ nguy cơ lây nhiễm do thường xuyên đến bệnh viện trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
Thời gian tái khám tùy vào tình trạng người bệnh
Theo ông Hà Văn Rã, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), hiện bệnh viện này vẫn áp dụng quy định về cấp phát thuốc ngoại trú đối với bệnh mãn tính tối đa 30 ngày.
Để nâng thời gian kê đơn thuốc ngoại trú bệnh mãn tính lên 2-3 tháng/lần, theo ông Rã, cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Chẳng hạn, những bệnh nào có thể kê đơn thuốc ngoại trú cho 60 ngày, bệnh nào có thể kê đơn cho 90 ngày, bệnh nào không thể kê đơn thuốc ngoại trú quá 30 ngày… bởi đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe và an toàn của người bệnh.
“Nếu 3 tháng mới tái khám một lần thì có thể người bệnh sẽ không được kiểm tra, theo dõi sát sao. Trong khoảng thời gian này, nếu có bệnh mới cấp tính trên nền bệnh mãn tính, hoặc phát sinh biến chứng khác sẽ rất khó phát hiện kịp thời, có thể gây nguy hiểm” - ông Rã nói.
Cũng theo ông Rã, 2 tháng có thể là khoảng thời gian trong ngưỡng an toàn, “chấp nhận được”, nhưng nếu 3 tháng mới kê đơn thuốc điều trị bệnh mãn tính một lần thì khoảng thời gian này là khá dài.
“Khi dùng thuốc mà không được theo dõi thường xuyên, người bệnh có thể gặp những vấn đề phát sinh và không được xử lý kịp thời, mất thời gian vàng để chữa bệnh, nhất là những bệnh nhân ở xa không được đưa đến bệnh viện kịp thời” - ông Rã nêu quan điểm.
Liên quan đến những khó khăn, vất vả của người bệnh khi phải đi khám bệnh định kỳ hàng tháng trong khi bệnh đã được điều trị ổn định trong thời gian dài, ông Rã cho biết hiện nay, tại huyện Võ Nhai, các bệnh mãn tính liên quan đến huyết áp và bệnh tâm thần đã được đưa về để cấp phát thuốc tại các trạm y tế xã, giúp bệnh nhân thuận tiện hơn.
Còn theo một bác sĩ tại Bệnh viện K (Hà Nội), việc kéo dài thời gian kê đơn thuốc ngoại trú bệnh mãn tính sẽ giúp bệnh nhân không phải đi lại nhiều, hạn chế những lần phải xếp hàng, đợi chờ, mà vẫn có đủ thuốc để dùng. Cùng với đó, các bệnh viện phần nào giảm bớt tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, bệnh tật tiến triển, biến đổi theo thời gian, nhiều bệnh có thể dự đoán được và cũng có những bệnh không dự đoán được. Do đó, việc tái khám thường xuyên cũng có những lợi ích như chỉ định liều lượng phù hợp nhất, phát hiện biến chứng kịp thời (nếu có), cập nhật, tìm cách xử lý tối ưu nhất.
“Lĩnh vực y tế ngày càng hướng đến cá thể hóa. Dù là cùng một bệnh, cùng một giai đoạn, nhưng ở mỗi người khác nhau thì cách điều trị cũng khác nhau, đặc biệt là các bệnh mãn tính, trong đó có ung thư.
Trong khi đó, các bệnh nhân có sự hiểu biết, nhận thức khác nhau, nhiều người không tuân thủ đúng và đầy đủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của bác sĩ trong theo dõi bệnh cảnh. Do vậy vẫn xảy ra tình trạng bất thường, thay đổi, biến chứng không có lợi trong quá trình điều trị bệnh” - bác sĩ Bệnh viện K nói.
Theo bác sĩ này, để nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mãn tính, cần có cách thức để “lọc” bệnh nhân. Những người tuân thủ tốt phương pháp điều trị thì có thể được cấp thuốc dài ngày hơn, tránh việc phải đi lại, xếp hàng, tiết kiệm thời gian. Ngược lại, người chưa tuân thủ phương pháp điều trị vẫn cần đi khám định kỳ, được cấp thuốc trong thời gian ngắn hơn.
“Tôi tin rằng mọi đề xuất, phương án được lựa chọn, triển khai đều thể hiện rằng ngành y tế và cả hệ thống chính trị luôn luôn hướng về người bệnh” - bác sĩ này nói.
Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cũng cho rằng nhiều bệnh mãn tính như các bệnh về huyết áp, tâm thần, tiểu đường… nếu đã được điều trị ổn định chỉ cần duy trì uống thuốc đúng và đủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Không cần phải tái khám định kỳ hàng tháng, vừa thuận tiện cho bệnh nhân, vừa giúp giảm tải cho bệnh viện.
“Để triển khai thí điểm đề xuất này, tùy theo diễn tiến bệnh mà các bác sĩ có thể chủ động kê đơn thuốc từ 1-3 tháng/lần, đồng thời cần yêu cầu người bệnh tuân thủ đúng theo chỉ định” - ông Khanh nêu ý kiến.
Để việc thí điểm hiệu quả hơn, một số chuyên gia y tế cho rằng cần thiết nên có danh mục các bệnh cần kê đơn thuốc ngoại trú điều trị bệnh mãn tính kéo dài tối đa 90 ngày. Điều đó vừa giúp các việc kê đơn được thực hiện thống nhất, vừa tránh tình trục lợi BHYT từ phía cơ sở y tế cũng như phía người bệnh.
Thí điểm kê đơn thuốc 3 tháng/lần với bệnh mãn tính
Giữa tháng 9-2024, tại một cuộc họp về công tác kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Việc triển khai thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú điều trị bệnh mãn tính kéo dài tối đa 90 ngày. Thời gian thí điểm là 6 tháng, dự kiến từ 1-10-2024 đến hết tháng 3-2025, giao giám đốc các bệnh viện ban hành danh mục thí điểm cho từng đơn vị.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cần đề xuất, lựa chọn các bệnh viện phù hợp đưa vào thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú dài ngày. Sau thí điểm, cục sẽ đánh giá, tổng kết, đề xuất đưa vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú một cách phù hợp.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn lưu ý việc áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú cần tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh và các yếu tố khác, đặc biệt phải trên cơ sở đánh giá cụ thể của bác sĩ điều trị.