Kéo ô tô thế nào cho đúng luật?

Hỏi:
Gia đình tôi đi du lịch xa bằng hai xe ô tô, trên đường đi có một xe bị hỏng máy xe, không chạy được. Vì không lường trước khả năng này nên chúng tôi không có thiết bị dây kéo an toàn. Để kéo xe đến nơi sửa xe gần nhất, chúng tôi có dùng dây dù mua trong tiệm tạp hóa để kéo xe. Trên đường kéo xe thì bị CSGT thổi phạt với hành vi kéo xe trong điều kiện không an toàn. Xin hỏi, quy định về việc kéo xe được luật quy định như thế nào?

(Nguyễn Minh Hùng, quận Tân Bình, TP.HCM)

Trả lời:
Theo Điều 29 về xe kéo xe và xe kéo rơmoóc của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau: Một ô tô chỉ được kéo theo một ô tô hoặc xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được và phải bảo đảm các quy định sau đây:
- Xe được kéo phải có người điều khiển và hệ thống lái của xe đó phải còn hiệu lực.
- Việc nối xe kéo với xe được kéo phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; trường hợp hệ thống hãm của xe được kéo không còn hiệu lực thì xe kéo nhau phải nối bằng thanh nối cứng.
- Phía trước của xe kéo và phía sau của xe được kéo phải có biển báo hiệu.
Về mức xử phạt, theo khoản 3 và khoản 12 Điều 5 về xử phạt người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ của Nghị định 46/2016 có quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển ô tô kéo theo xe khác, vật khác (trừ trường hợp kéo theo một rơmoóc, sơmi rơmoóc hoặc một ô tô, xe máy chuyên dùng khác khi xe này không tự chạy được); điều khiển ô tô đẩy xe khác, vật khác; điều khiển xe kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc kéo thêm rơmoóc hoặc xe khác, vật khác; không nối chắc chắn, an toàn giữa xe kéo và xe được kéo khi kéo nhau.
Trường hợp người điều khiển xe vi phạm quy định trên mà gây ra tai nạn giao thông thì còn bị tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Như vậy, điều kiện để ô tô kéo theo một ô tô khác khi xe này không tự chạy được là phải bảo đảm chắc chắn, an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm