Kết liễu giấy phép con kiểu ‘có cũng như không’

“Đã hết nửa năm 2018 nhưng đến nay tiến độ chậm quá”. Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đại diện Tổ công tác của Thủ tướng, nhận định như trên tại buổi họp với các bộ, ngành liên quan đến việc đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) (còn gọi là giấy phép con, giấy phép ông, giấy phép cháu chắt…) diễn ra ngày 12-7.

Không muốn cải cách để tự tước bỏ quyền lợi?

Theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả bộ, ngành liên quan đều phải xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD với mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% ĐKKD hiện có.

Nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến tháng 6-2018 mới chỉ có nghị định về cắt giảm các ĐKKD thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương được ban hành. Còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép con của các bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Như vậy, mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số ĐKKD trước mốc 31-10-2018 là một thách thức rất lớn. Chưa kể quá trình soạn thảo nghị định, chờ thủ tục thông qua rất mất thời gian.

Đáng lo ngại, theo lãnh đạo VCCI, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất. Một số điều kiện được tính là cắt bỏ nhưng thực chất các đề xuất cắt giảm này không có nhiều ý nghĩa.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: “Một gói cà phê sữa mà yêu cầu bóc ra kiểm tra xem có dịch bệnh hay không là không chấp nhận được”. Ảnh: ĐỨC MINH

Chủ tịch VCCI dẫn chứng: Hầu hết các điều kiện liên quan đến nhân thân, như “có năng lực hành vi dân sự”, đều được kiến nghị bãi bỏ trong nhiều phương án. Thực chất đề xuất bãi bỏ này không đi vào cốt lõi, điều kiện này cắt bỏ cũng như không. Bởi vì theo lẽ thông thường, nhà kinh doanh khi tuyển dụng lao động sẽ phải chọn lựa những người đủ tuổi, bình thường về nhận thức chứ không ai lại tuyển dụng một người chưa đủ năng lực hành vi vào làm việc.

Hơn nữa, điều kiện kèm theo của nhân thân thường là các bằng cấp chuyên môn. Để có được những loại bằng cấp này, đương nhiên họ phải có “năng lực hành vi dân sự”. Do vậy, dù được tuyên bố là bãi bỏ điều kiện này thì mức độ tạo thuận lợi cho người kinh doanh cũng không đáng kể.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Lộc nói: Các bộ trưởng, các lãnh đạo bộ có thể rất tích cực, nôn nóng nhưng khi xuống cấp vụ, đặc biệt là cấp chuyên viên trực tiếp soạn thảo các văn bản này thì không làm được đúng theo yêu cầu. Có vấn đề là các bộ phận quản lý giấy phép không muốn thực hiện những cải cách để tước bỏ quyền lợi của mình.

“Những đơn vị nào đang cấp phép sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình. Do đó, quy định cải cách cần giao cho các đơn vị độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác” - Chủ tịch VCCI đề xuất.

“Không chấp nhận được”

Ông Vũ Tiến Lộc nhận xét: Thực hiện các yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng về cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, một số bộ, ngành đã có hành động cụ thể. Tuy nhiên, thống kê cho thấy kết quả thực tế của các hành động này vẫn chưa được như mong đợi.

“Trên thực tế, cho đến nay mới chỉ có khoảng… 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành. Về thời gian kiểm tra, mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục nhưng thời gian trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4” - ông Lộc dẫn chứng.

Nói thêm về kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khá gay gắt: “Một gói cà phê sữa có cho sữa sấy khô để tạo ra sản phẩm mà chúng ta yêu cầu bóc ra kiểm tra xem có dịch bệnh không. Thủ tục chúng ta yêu sách như vậy là không chấp nhận được”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho hay chỉ trong tuần qua, Thủ tướng đã hai lần nhắc về việc đôn đốc các bộ trình các nghị định về cắt giảm các ĐKKD, cắt giảm thủ tục hành chính. Tại phiên họp Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng cũng rất gắt gao việc này.

“Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ dự thảo chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường cải cách các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt là với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhưng chúng ta phải nói với nhau là chuyển biến rất chậm. Những bất cập, tồn tại về kiểm tra chuyên ngành chưa được cải cách triệt để theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Hải quan giải trình về áp thuế thịt bò quá cao

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu lại ý kiến của Hội đồng Thương mại Mỹ về việc một tàu chở năm loại hàng của năm chủ hàng nhưng theo yêu cầu của hải quan phải hoàn thành thủ tục của năm lô hàng mới được thông quan. Điều này dẫn đến việc bốn lô hàng xong thủ tục thông quan nhưng vẫn phải chờ lô hàng còn lại. Không chỉ vậy, phía Mỹ có ý kiến về việc thịt bò nhập vào Việt Nam bị áp giá đánh thuế cao hơn giá thị trường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, giải thích: “Giả sử có năm chủ hàng độc lập thì không có chuyện bốn lô hàng xong rồi vẫn tắc được. Có thể một lô hàng chủ hàng mở nhiều tờ khai vì trong lô đấy có rất nhiều hàng hóa khác nhau, chính sách nhà nước quản lý từng loại hàng hóa khác nhau. Căn cứ vào từng tờ khai, cơ quan hải quan xem được tờ khai nào thì thông quan tờ khai đó. Không có chuyện tắc hết cả” - ông Bình giải thích.

Liên quan đến thuế nhập khẩu thịt bò, ông Bình nói: “Trường hợp cụ thể, tôi sẽ có báo cáo cụ thể. Nhưng nói thịt bò trên thị trường giá 5.000 đồng/kg mà ông hải quan áp giá 6.000 đồng/kg thì không biết có đúng loại không vì có thể lấy thịt bò phế phẩm để so với thịt bò chất lượng cao. Trong con bò có mấy chục loại thịt khác nhau nên so sánh có thể khập khiễng, chưa kể xuất xứ thịt bò Mỹ, Úc lại có cách tính khác nhau” - ông Bình cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới