Khách hàng nên làm gì khi chủ đầu tư bỗng nhiên… bị bắt

Đơn cử như vụ giám đốc Công ty Địa ốc Hưng Thịnh Phát bị cáo buộc, bắt giam vì rao bán đất nền nhiều dự án ảo tại Bình Thuận để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Những khách hàng, nhà đầu tư tại các dự án này phải đứng ngồi không yên vì số tiền mua nhà, đất của họ có thể mất trắng. Liên quan đến việc người mua nên làm gì khi bất ngờ CĐT bị bắt, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, đã đưa ra một số lời khuyên.

Cụ thể, quyền lợi của khách hàng đã ký kết hợp đồng với CĐT ấy phải căn cứ vào nội dung hợp đồng đã ký. Đồng thời, quyền lợi của người mua cũng phụ thuộc vào kết quả giải quyết vụ án của cơ quan chức năng. Ví dụ, vụ án Hưng Thịnh Phát được khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chỉ mới bắt đầu giai đoạn khởi tố, điều tra nên việc xác định tư cách tham gia tố tụng của khách hàng cũng như giải quyết quyền lợi của khách còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề.

Tùy theo khách mua, loại hợp đồng, giao dịch đã thực hiện giữa hai bên, khách hàng có thể được xác định là người bị hại nếu trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra.

Khi đó, khách hàng có thể căn cứ vào hợp đồng giao dịch để yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự về hợp đồng vô hiệu và quyền lợi của nhà đầu tư được giải quyết trên cơ sở hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu. Các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, công ty đã nhận tiền của khách hàng thì phải hoàn trả, bên có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại tương ứng.

Tuy nhiên, với tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì người phạm tội đã có ý thức về việc lừa đảo nên thường tẩu tán tài sản trước khi bị khởi tố. Do vậy, việc lấy lại tiền để hoàn trả cho người mua bất động sản trên thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn và khách hàng có nguy cơ mất trắng.

Do đó, ngay bây giờ khách hàng cần liên hệ với cơ quan công an để tố giác về các giao dịch với CĐT; cung cấp các tài liệu, chứng cứ như hợp đồng, chứng từ thanh toán, văn bản làm việc với công ty... để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Sau quá trình điều tra, nếu các cơ quan tố tụng có đủ căn cứ xác định lãnh đạo phía CĐT có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì quyền lợi của người mua sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự với vai trò người bị hại. Tòa sẽ tuyên buộc công ty hoặc các cá nhân chiếm hưởng bồi thường cho họ.

“Nếu là bị hại trong vụ án thì nhà đầu tư được quyền yêu cầu bị can, bị cáo có trách nhiệm hoàn trả tiền, bồi thường thiệt hại cho mình trong vụ án hình sự này. Đối với những người không phải là bị hại trong vụ án thì quyền lợi của họ sẽ là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, có thể được giải quyết chung trong vụ án này hoặc tách riêng để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự” - luật sư Cường cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới