Ngày 25-12, nguồn tin của PLO cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã nhận gần 100 đơn tố cáo Nguyễn Hữu Kha (29 tuổi, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, Bình Thuận), tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát (Công ty Hưng Thịnh Phát), với số tiền lừa đảo hàng chục tỉ đồng.
Khai trương chi nhánh rầm rộ tại Phan Thiết.
Ngoài ra một số khách hàng cũng làm đơn tố cáo ông Nguyễn Chí Thắng, giám đốc Chi nhánh Công ty Hưng Thịnh Phát tại TP Phan Thiết, với vai trò đồng phạm giúp sức cho Kha chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra sau khi cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Hữu Kha hôm 18-12.
Bước đầu CQĐT đã xác định: Cuối năm 2017, Kha đăng ký thành lập Công ty Hưng Thịnh Phát (trụ sở tại 447 Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM), kinh doanh trên lĩnh vực mua bán bất động sản. Đến tháng 10-2018, Kha mở rộng đầu tư, thành lập chi nhánh công ty tại D32-33 Trương Hán Siêu, Phú Thủy, TP Phan Thiết.
Từ tháng 8-2018 đến tháng 7-2019, Kha mua đất nông nghiệp hoặc đặt cọc mua đất của một số người dân tại huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. Mặc dù chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng dự án khu dân cư nhưng Kha đã vẽ ra hơn 10 dự án ma và quảng cáo rầm rộ (giống hệt thủ đoạn của Alibaba).
Kha vẽ các dự án Hàm Liêm 1, Hàm Liêm 2, Hàm Liêm 3, Phan Thiết City, Phan Thiết II, Phan Thiết III, Phong Nẫm Residence 1, Phong Nẫm Residence 2, Hưng Thịnh Phát Residence, Ma Lâm Diamond Town… và chỉ đạo nhân viên công ty rao bán trên mạng xã hội với nội dung dự án đang xin phép, hứa hẹn khoảng 3-4 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Đặc biệt, Kha cam kết sẽ trả lãi suất cao đến 17% nếu giao đất mà không có sổ hồng trong chín tháng khiến hàng trăm khách hàng ở Bình Thuận, TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai… sập bẫy.
Nhiều khách hàng phải nộp 50% tiền mua đất, thậm chí có người nộp đến 95% tiền mua đất tại nhiều dự án của công ty này. Bước đầu đã xác định khách hàng nộp ít nhất hơn 400 triệu đồng và có nhiều khách đã nộp gần 5 tỉ đồng cho công ty.
Nguyễn Hữu Kha bị bắt giữ.
Sau khi ký hợp đồng cọc bán đất và nhận tiền, Kha đưa ra lý do các dự án của công ty đang bị thanh tra nên khó khăn về tài chính không ra sổ đỏ được theo kế hoạch.
Kha nhiều lần gặp gỡ khách hàng hứa hẹn và khẳng định cam kết nếu khách hàng có nhu cầu thanh lý hợp đồng thì Kha đồng ý bồi thường theo hợp đồng. Thế nhưng chưa lần nào Kha thực hiện theo cam kết.
Ngày 18-12, Nguyễn Hữu Kha bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và phối hợp với Công an quận 9 bắt, khám xét tại trụ sở chính của công ty. Sau đó CQĐT đã di lý Kha về xã Sông Lũy, Bắc Bình (Bình Thuận) để thực hiện lệnh khám xét nhà riêng.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát là công ty hoạt động tương tự Công ty Alibaba, rao bán dự án ma, bán đất nền trên đất nông nghiệp có dấu hiệu lừa đảo mà PLO nhiều lần phản ánh.
Sau khi PLO đăng bài đầu tiên “Rao bán dự án ảo ngay sát trụ sở công an”, phản ánh Công ty Hưng Thịnh Phát chưa có dự án nào được cấp có thẩm quyền ở Bình Thuận phê duyệt nhưng vẫn rao bán rầm rộ, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn chỉ đạo xử lý.
Theo đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Công an tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Bắc, TP Phan Thiết và các cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh. Nếu đúng như thông tin phản ánh thì có biện pháp xử lý nghiêm, báo cáo UBND tỉnh.
CQĐT bắt giam tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát tại quận 9.
Trước đó, từ trung tuần tháng 11-2019, rất đông khách hàng kéo đến Chi nhánh Công ty Hưng Thịnh Phát (Trương Hán Siêu, TP Phan Thiết, Bình Thuận) để yêu cầu trả lại tiền đã nộp mua đất nền các dự án của công ty này.
Nhiều khách hàng cho biết họ nộp tiền gần một năm mà vẫn không được giao đất, công ty cũng không trả lại tiền hay lãi suất như đã cam kết. Nhiều người tìm hiểu mới tá hỏa phát hiện các dự án của công ty này từ Phan Thiết đến Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc đều là đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sang đất ở.
Được biết ngoài việc kéo đến chi nhánh công ty ở TP Phan Thiết đòi lại tiền, nhiều khách hàng tại TP.HCM còn giăng băng rôn trên ô tô đến đậu trước trụ sở của công ty tại quận 9 để yêu cầu trả lại tiền mua đất cho họ.
Tương tự cách thức Công ty Địa ốc Alibaba đã làm, công ty này cũng quảng cáo rầm rộ bằng hình ảnh bắt mắt, tên gọi ấn tượng; đưa ra chiêu bài trả lãi suất cao nếu chưa giao đất khiến khách hàng tin tưởng đầu tư dù chưa biết mặt mũi khu dân cư đó ra sao.
Hầu hết dự án của công ty này đều là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, chưa có một dự án nào được cấp có thẩm quyền ở Bình Thuận đồng ý phê duyệt. Thậm chí có dự án như Ma Lâm Diamond Town chỉ là một dự án ma, nằm cách trụ sở UBND huyện và trụ sở Công an huyện Hàm Thuận Bắc 200 m.
Ngoài lừa đảo khách hàng, bà TTBP (ngụ phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Kha có hành vi lừa dối trong hợp đồng đặt cọc, bán đất.
Trong đơn tố cáo, vợ chồng bà P. cho rằng ông Kha đã nhận tiền đặt cọc mua đất của mình. Lợi dụng lòng tin bà nhờ đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông Kha đã chiếm đoạt luôn số tiền này cùng nhiều tỉ đồng bà P. cho ông vay.
Liên quan vụ việc này, phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã ký văn bản gửi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, đề nghị ngân hàng này tạm thời phong tỏa tài khoản của ông Nguyễn Hữu Kha.
Theo CQĐT, với tài liệu ban đầu, xác định bà P. nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của ông Kha. Do đó để ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra và phục vụ công tác điều tra, xác minh nên cần thiết phải phong tỏa tài khoản của ông Kha để làm rõ vụ việc.
Nguồn tin của PLO cho biết sau khi nhận tiền đứng tên mua đất giúp bà P. tại Phan Thiết, Kha lập ra dự án ma bán cho khoảng 35 khách hàng lấy hàng chục tỉ đồng nhưng không cho bà P. biết.