Khách hủy đến xem F1 vì giá khách sạn tăng gấp đôi

Ngày 20-2, Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hội nghị thảo luận về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của ngành du lịch nhằm tìm ra những giải pháp để giúp doanh nghiệp lữ hành vượt qua giai đoạn khó khăn khi bị ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở du lịch TP.HCM, cho biết để khôi phục lại ngành du lịch, đơn vị có đề ra hai nhóm giải pháp. Thứ nhất là thống nhất cùng các đơn vị, DN lữ hành, hàng không, dịch vụ… xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa với mức giá giảm sâu 50%.

Giải pháp thứ hai là giải quyết các tồn tại khó khăn của các DN lữ hành khi bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch, cho biết tổng cục cũng phối hợp với Vietnam Airlines phát động chương trình kích cầu, đề nghị các địa phương vào cuộc đồng nhất, hưởng ứng chung.  

Riêng với chương trình xúc tiến, kích cầu quốc tế tổng cục xác định bắt đầu từ tháng 4. Vì tháng 4 tình hình dịch có những tín hiệu khả quan, đặc biệt đầu tháng 4 Việt Nam có sự kiện quốc tế nổi bậc là giải đua F1, sẽ thu hút quan tâm đông đảo truyền thông quốc tế.

“Nhân sự kiện F1 này tổng cục mời đại sứ du lịch Greg Norman và đài CNN cũng đề xuất về sự phối hợp này để quảng bá” - ông Đức chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Cường, Trưởng phòng phát triển bán và tiếp thị Vietnam Airlines (VNA), cho biết đến thời điểm này, qua trao đổi, các đối tác bắt đầu hỏi khi nào VNA bay lại thị trường Trung Quốc. Dù tình hình dịch còn phức tạp nhưng đối tác phía Trung Quốc đã quay lại tìm hiểu, nghĩa là họ nhìn thấy cơ hội để phục hồi thị trường nhanh.

“Vì vậy VNA sắp xếp theo ba kịch bản. Trong đó kịch bản tốt nhất là VNA có thể bay lại Trung Quốc vào tháng 4, kịch bản muộn nhất là bay vào tháng 8, tháng 9” - ông Cường nói.

Theo ông Cường, đối với mảng mang khách nước ngoài vào Việt Nam, dù đang trong giai đoạn dịch nhưng thông qua VNA, du khách tuyến Úc, châu Âu, Nhật quan tâm lớn đến sự kiện F1. Đến thời điểm này VNA chia sẻ với các thị trường là sự kiện F1 vẫn được tổ chức. Các chi nhánh cho biết các đoàn vẫn đang “giữ chỗ” theo hướng họ sẽ vẫn tham gia.

Bên cạnh đó, với hai điểm đến ngành du lịch xác định là tiềm năng Ấn Độ và Úc, ngay trong năm 2020 sẽ lập tức xây dựng phương án bay thẳng Ấn Độ và tiếp tục mở rộng bay đến Úc.

Trong khi đó bà Bùi Việt Thủy Tiên, Giám đốc Công ty Du lịch Đường mòn châu Á - đại lý bán vé sự kiện F1, cho biết toàn bộ các đoàn khách đã hủy đến Việt Nam xem F1. Vì trong các ngày diễn ra sự kiện này, giá khách sạn tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Ví dụ khách sạn ba sao tăng gấp đôi lên 60-70 USD/phòng, khách sạn bốn sao nay tăng lên 200-250 USD, khách sạn năm sao lên 600-700 USD... cuối cùng khách chuyển sang đi Shanghai.  

Du khách thưởng thức ẩm thực tại sự kiện món ngon các nước năm 2019

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist, cho biết theo chủ trương chung của chính phủ quyết tâm, quyết liệt phòng chống dịch hàng đầu để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Thời gian qua từng ngành có những triển khai biện pháp phòng chống dịch, nếu từng ngành đưa ra giải pháp cũng nên tính đến sự tác động đối với ngành du lịch.

Vừa qua, khi Cục Hàng không Việt Nam đưa ra chủ trương ngừng bay đến Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cau đột ngột khiến DN du lịch đối phó rất bị động. Và sau khi DN phản ảnh thì được bay ngay trong đêm. Qua đó, cho thấy có sự bất cập lúng túng trong chủ trương chính sách.

Cũng như việc đón khách quốc tế tàu biển, có chỗ đón, chỗ không đón, cùng chuyến tàu đó nhưng có cảng đón, có cảng không đón, có tàu được cập bờ nhưng không được lên bờ…

Theo ông Tài, ngành du lịch đang đẩy mạnh chiến dịch truyền thông du lịch Việt Nam an toàn nhưng cần thực hiện đồng bộ xuyên suốt. Nếu không thì truyền thông nhiệt liệt mời du khách đến nhưng khi khách đến ngay cửa nhà nghi ngại không cho họ vào. Ảnh hưởng không chỉ uy tín DN mà cả hình ảnh quốc gia.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc VietJet, cho biết Việt Nam đang xây dựng các chương trình để đưa ra sản phẩm du lịch an toàn, kích cầu để khách đến đi khách nội địa, quốc tế… Tuy nhiên, nếu truyền thông vẫn còn nghe nhiều thông tin du khách nhiễm bệnh, tâm lý khách vẫn còn lo lắng.

“Chúng ta cần đưa ra thông tin mang tính tích cực để người dân hiểu và sinh hoạt bình thường. Việt Nam không phải vùng dịch nên mạnh đưa ra thông điệp tốt hơn. Có như vậy chương trình kích cầu mới hiệu quả” - ông Sơn nói.

Cùng quan điểm trên ông Tài dẫn chứng, Singapore là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều hơn Việt Nam, họ đang tích cực phòng chống dịch thì trường học vẫn duy trì hoạt động bằng các biện pháp hướng dẫn học sinh phòng chống dịch một cách chủ động. Qua đó thể hiện việc ứng phó dich một cách lạc quan tích cực.

“Khi chúng ta thật sự thấy an toàn thì mới chuyển tải được thông điệp đó đến du khách. Nếu không cũng chỉ dừng lại mức độ truyền thông” - ông Tài nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới