‘Lá bài’ tốt của du lịch giữa cơn khủng hoảng

Du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 một cách trực tiếp và rõ nét nhất. Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt cũng không ngoại lệ. Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Đình Huê, Tổng giám đốc công ty đồng thời là chuyên gia tư vấn du lịch ĐBSCL, cho rằng có thể thu hút khách từ các địa phương chưa có dịch.

Khách đang xem một công đoạn làm cốm nổ miền Tây - Ảnh: Tú Uyên

Mời khách từ nhiều thị trường đến Việt Nam

. Phóng viên: Hàng loạt công ty du lịch đang chịu thiệt hại nặng nề vì dịch COVID-19, thậm chí nhiều đơn vị đã đóng cửa. Vậy ông có thể nêu bức tranh chung của công ty cũng như thị trường du lịch hiện nay?

+ Ông Phan Đình Huê: Khách tại các thị trường lớn như Trung Quốc (TQ), Hàn Quốc, Nhật, châu Âu… đã hủy tour rất nhiều. Khách Việt Nam (VN) đi nước ngoài cũng sợ bị lây dịch hoặc lo lắng khi đến các nước bị nhìn như từ vùng dịch, bị kiểm soát gắt gao. Họ còn sợ rủi ro bị chặn lại ở một nước nào đó mà không về được VN, vì vậy nhiều tour ra nước ngoài cũng bị hủy.

Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty du lịch như chúng tôi mà còn gây thiệt hại lớn cho nhiều nhóm đối tượng như vận tải, hàng không, du thuyền… Thậm chí các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, đơn vị tổ chức tour và những người sống nhờ du lịch như bán hàng lưu niệm giờ đây cũng không có việc làm.

. Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng các công ty du lịch thiệt hại nặng nề vì quá phụ thuộc vào thị trường TQ?

+ Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, người TQ đi du lịch nước ngoài rất lớn. Ví dụ, năm 2018 có 149,7 triệu lượt khách TQ đi du lịch nước ngoài. Đây cũng là thị trường có chi tiêu du lịch ra nước ngoài lớn nhất với 277,3 tỉ USD trong năm 2018, tăng 5,2% so với năm trước đó.

Những con số trên cho thấy đây là thị trường có nguồn khách khổng lồ, đứng đầu chi tiêu cho du lịch nên mọi quốc gia đều tập trung khai thác khách TQ. Do vậy, khi nói tái cơ cấu thị trường không có nghĩa là không mời khách du lịch TQ đến VN mà là cần xúc tiến, mời thêm nhiều khách từ các thị trường khác đến nước ta.

Tuy nhiên, có một nhược điểm là nơi nào có nhiều khách TQ thì khách châu Âu không muốn đến nhiều vì khác biệt văn hóa. Điển hình như Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết. Đây là điều mà chúng ta phải suy nghĩ.

Bởi vậy, theo tôi, nên chăng tập hợp dịch vụ cho khách TQ ở một số khu vực nhất định để phục vụ họ tốt hơn, lại ít xung đột với khách ở thị trường khác. Tỉ lệ khách TQ chiếm khoảng 10%-15% trong tổng số khách nước ngoài đến VN là hợp lý, thay vì chiếm 32% thị trường như hiện nay.

Ông Phan Đình Huê (trái, hàng đầu) trong một chuyến đi huấn luyện cho nông dân miền Tây. Ảnh: TU

Khắc phục nhanh khiếm khuyết

. Không ít chuyên gia khuyến nghị rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bản thân từng công ty du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung cần tái cơ cấu thị trường, không quá tập trung vào TQ. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

+ Đúng là du lịch từng gặp khó với thị trường TQ nhiều lần rồi. Mỗi khi khách TQ giảm đến VN, nhất là những công ty và địa phương chuyên đón khách TQ liền “sống dở chết dở”, cuống cuồng nhận ra hậu quả của sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này.

Nhưng cơ cấu là chuyện dài hơi, không thể mong một vài tháng là thay đổi thị trường được. Vì muốn chuyển sang một thị trường mới phải mất nhiều năm từ phát triển sản phẩm, đào tạo nhân sự, công tác xúc tiến, mở đường bay mới… Chẳng hạn, thị trường Ấn Độ với dân số đông có thể thay thế thị trường TQ nhưng năm ngoái khách Ấn Độ đến VN tăng đột biến cũng chỉ đạt 200.000 lượt khách.

. Thưa ông, đây không phải là lần đầu tiên du lịch đối mặt với khủng hoảng vì dịch bệnh. Vậy trong lúc khó khăn như hiện nay, các công ty du lịch cần làm gì và chuẩn bị kế hoạch ra sao khi dịch được kiểm soát?

+ Kinh nghiệm cho thấy sau khi một dịch nào đó như SARS được kiểm soát, tâm lý khách giảm đi tour dài ngày và đi du lịch nước ngoài vì sợ dịch bệnh chưa hết hoàn toàn. Kỳ vọng đón khách từ thị trường Âu, Mỹ và các nước phát triển đến VN trong thời điểm này cũng không cao.

Mặt khác, với thị trường Âu, Mỹ, du lịch Việt chưa làm tốt lắm. Chất lượng điểm đến, giá cả dịch vụ, vui chơi giải trí VN không bằng một số nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Malaysia… nên chúng ta không cạnh tranh để thu hút được. Khiếm khuyết này cần phải khắc phục nhanh thì mới kéo được khách đến.

Cơ hội cho đồng bằng sông Cửu Long

. Thưa ông, hiện nay nhiều tỉnh, thành tại VN chưa có người bị nhiễm COVID-19, tại sao các công ty du lịch không tập trung khai thác những thị trường này?

+ Đúng là các công ty du lịch vẫn có “lá bài” trong tay là 100 triệu khách hàng nội địa, nên tập trung vào lượng khách này. Đặc biệt, VN có những vùng hoàn toàn không bị ảnh hưởng dịch như ĐBSCL. Thực tế đã chứng minh cách đây vài năm khi vùng biển miền Trung ô nhiễm, khách ngại đi miền Trung nên dồn về ĐBSCL nên các khách sạn ở Cần Thơ, Bến Tre… lúc nào cũng đạt công suất cao.

Tôi cho rằng năm nay du lịch ĐBSCL là “cứu tinh” cho các công ty du lịch cũng như các tỉnh ĐBSCL khi họ muốn tập trung phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Do vậy, các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm để kéo khách ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông và thậm chí miền Bắc đến.

Khi khủng hoảng xảy ra, các công ty du lịch muốn tồn tại được phải dựa vào chính bà con mình. Đây cũng là hình thức tạo công ăn việc làm cho các nhà vườn, nông sản bán không được thì cũng có khách du lịch chia sẻ.

. Vấn đề là ĐBSCL có gì hấp dẫn, mới mẻ và khác biệt để thu hút khách đến, thưa ông?

+ Tôi nhận thấy hiện nay các tỉnh ĐBSCL đang đầu tư sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Các tour du lịch trên sông cũng được nâng cấp, trong đó có tàu đi từ Cần Thơ, Sóc Trăng ra Côn Đảo. Đồng thời, họ biết rút nhiều kinh nghiệm về câu chuyện “đi một tỉnh là biết hết miền Tây ”. Cụ thể, các tỉnh ĐBSCL đang phát triển sản phẩm du lịch theo chiều sâu, tạo được sự khác biệt, tạo ra tuyến điểm mới cho khách vui chơi và giảm sự nhàm chán cùng với sự trùng lắp so với ngày xưa.

Chẳng hạn, trước đây các tour chỉ bán vé cho khách đi tham quan, nay họ phát triển được nhiều dịch vụ trải nghiệm ngoài đồng ruộng nên giữ khách lưu lại nhiều ngày hơn.

. Xin cám ơn ông.

Tránh phân biệt đối xử với khách dưới mọi hình thức

Ngày 14-2, Hội đồng tư vấn du lịch cho biết ngành du lịch đã đóng góp tới 9,2% GDP VN, đóng góp gián tiếp và lan tỏa vào GDP VN có thể lên đến 18%. Tuy nhiên, ngành này đang thiệt hại nặng nề.

Đơn cử đối với các công ty quản lý điểm đến và các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM, Hà Nội và Hạ Long, giảm khoảng 50% khách so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp khách sạn ở Cam Ranh/Nha Trang cho biết tỉ lệ lấp phòng của các khách sạn chuyên đón du khách TQ giảm tới 98%...

‘Lá bài’ tốt của du lịch giữa cơn khủng hoảng ảnh 3
Du khách đeo khẩu trang tham quan TP.HCM. Ảnh: TU

Trước những khó khăn trên, Hội đồng tư vấn du lịch kiến nghị Chính phủ áp dụng càng sớm càng tốt các giải pháp như: Miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định, nhất là Vương quốc Anh, châu Âu, Úc, New Zealand và Canada; giảm ngay thuế VAT du lịch từ 10% xuống 5%. Cho phép nộp thuế chậm từ 6 tháng lên 12 tháng không bị phạt…

“Khuyến khích chính quyền các tỉnh có các điểm đến quan trọng nâng cao, duy trì ở mức cao các tiêu chuẩn vệ sinh và hành vi thân thiện giữa người dân địa phương với khách du lịch, tránh phân biệt đối xử dưới mọi hình thức với bất kỳ nhóm người nào. Nguyên tắc này cần phải duy trì ngay cả sau khi dịch bệnh được ngăn chặn hoàn toàn” - Hội đồng tư vấn du lịch nhấn mạnh.

Không chờ hết dịch mới ứng phó

Tại buổi làm việc với Tổng cục Du lịch mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng cần sớm hoàn thiện kế hoạch và giải pháp ứng phó với COVID-19, phục hồi thị trường chứ không chờ hết dịch.

“Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào thị trường quá lớn. Đồng thời, cần chủ động để nâng cấp chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” - ông Thiện nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm