Khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên - Bài 1: Thêm ứng viên di sản thế giới

LTS: Tuy loài tê giác Java Việt Nam đã tuyệt chủng nhưng Vườn quốc gia Cát Tiên vẫn còn đó sự độc đáo trên bản đồ sinh cảnh thế giới. Pháp Luật TP.HCMgiới thiệu đôi nét về vùng đất kỳ thú này cùng những nỗ lực của những người có trách nhiệm trong việc bảo tồn, “giành vé” để nơi đây được công nhận là Di sản thế giới.

Nằm cách TP.HCM khoảng 160 km về phía bắc nhưng Vườn quốc gia Cát Tiên (gọi tắt là Cát Tiên) được biết đến như điểm du lịch sinh thái thú vị. Từ TP.HCM có thể dùng xe máy hoặc xe đò đến Cát Tiên để khám phá vùng đất kỳ thú rộng trên 71.000 ha này. Nằm trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng, ngăn cách với bên ngoài bởi con sông Đồng Nai, Cát Tiên có hệ động thực vật phong phú và đa dạng không kém bất kỳ vườn quốc gia nào trên thế giới.

Cát Tiên đâu chỉ có tê giác Java!

Cát Tiên là rừng rậm nhiệt đới tiếp nối giữa cao nguyên và đồng bằng, trong đó có năm kiểu rừng: rừng lá rộng thường xanh, rừng lá rộng nửa rụng lá, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, rừng tre nứa thuần loại và thảm thực vật đất ngập nước. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, nói chính sự đa dạng của các loại rừng đã tạo ra sự đa dạng của hệ động thực vật vô cùng phong phú. Về thực vật, Cát Tiên có hơn 1.610 loài, trong đó có 38 loài có tên trong Sách Đỏ như gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai, giáng hương, vên vên, dầu song nàng… Hệ động vật cũng có khoảng 1.600 loài, trong đó có 39 loài thú trong Sách Đỏ như bò tót, voi, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, cu li nhỏ, 22 loài chim có tên trong Sách đỏ như gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, công, gà so cổ hung, hạc cổ trắng, 10 loài cá trong Sách Đỏ như cá rồng.

Khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên - Bài 1: Thêm ứng viên di sản thế giới ảnh 1

Đường mòn trong rừng nguyên sinh Cát Tiên. Ảnh: nguyễn minh

Ai đã từng qua đêm ở vườn Cát Tiên chắc chắn phải thích thú khi xem thú vào ban đêm. Khoảng sau 20 giờ, chỉ cần đi vài kilomet từ “đại bản doanh” của vườn là có thể tận mắt chứng kiến những con thú rừng như hươu, nai… nhởn nhơ gặm cỏ. Và nếu chịu khó mật phục, bạn còn có thể thưởng lãm nhiều hình ảnh độc đáo của chim, bướm, thỏ, chồn… sinh động chẳng kém hình ảnh do kênh truyền hình Discovery mang lại.

TS Vũ Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và phát triển - Viện Sinh học Nhiệt đới, nói do điều kiện sinh cảnh đặc biệt nên ở đây có nhiều loài chim di trú, chim bản địa như công, trĩ, gà lôi, sến, giang, mòng két, le le, cù đen... tụ về sinh sống. TS Long nói: “Vào mùa đông, cây cối ở những khu rừng ôn đới hầu như đều “chết” nên rừng ôn đới khá ít về số loài. Còn Cát Tiên là rừng mưa nhiệt đới nên quanh năm cây cối xanh tốt liên tục và ngày càng to lớn. Do đó, khó có cây gõ nào to như cây gõ ông Đồng ở Cát Tiên. Những cây đặc trưng khác như xoài Đồng Nai, thị Đồng Nai, cây hoa trà… chỉ có ở khu vực rừng này mà thôi”.

Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai kiêm Phó ban Chỉ đạo Xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, tự hào: “Cát Tiên đâu chỉ có tê giác Java! Ở đây còn có rất nhiều chim, thú và cây cối quý hiếm khác nữa”.

Cá sấu xiêm sẽ thay tê giác Java

Ông Mùi cho biết hồ sơ đề cử Di sản thế giới đã bị một lần trả về do chưa đạt. UNESCO đề nghị làm rõ hai điểm chính, đó là thông tin về giá trị nổi bật toàn cầu của Cát Tiên và kế hoạch bảo vệ sự đa dạng sinh học.

Do đó, ở lần bổ sung hồ sơ này, Vườn quốc gia Cát Tiên đã bổ sung thông tin và đưa ra các so sánh với nhiều vườn quốc gia khác đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Cụ thể, số loài ở Cát Tiên phong phú hơn hẳn các rừng ở vùng ôn đới. Ví dụ, so về thú có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, bướm thì Đan Mạch có khoảng 300 loài, nhiều nhất là Pháp có gần 700 loài… thì Cát Tiên có trên 1.000 loài. So với di sản thiên nhiên thế giới ở các quốc gia lân cận thì Cát Tiên cũng không hề kém (ví dụ: rừng hỗn hợp Dong Phayayan Khao Yai - Thái Lan có 2.500 loài thực vật thì Cát Tiên có trên 1.600 loài, rừng mưa ẩm nhiệt đới ở Úc có 1.500 loài, rừng Socotra Archipelago ở Yemen có 850 loài…).

Khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên - Bài 1: Thêm ứng viên di sản thế giới ảnh 2

Cá sấu xiêm - biểu tượng mới của vườn Cát Tiên. (Ảnh tư liệu vườn Cát Tiên)

Khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên - Bài 1: Thêm ứng viên di sản thế giới ảnh 3

Có nhiều loài chim, thú quý hiện diện ở vườn Cát Tiên. (Ảnh tư liệu vườn Cát Tiên)

Ngoài ra, Cát Tiên còn có ưu thế khác mà các vườn quốc gia khác của thế giới chưa chắc đã có, đó là các vùng đất ngập nước có giá trị. Một trong số đó là Bàu Sấu, đã được Ban Thư ký Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước công nhận là khu vực đất ngập nước quan trọng của thế giới. Vào mùa mưa, Bàu Sấu là một vùng đất ngập nước với diện tích đến 2.000 ha nhưng mùa khô rút nước nên chỉ còn khoảng 200 ha. Nơi đây có loài cá sấu nước ngọt (hay còn gọi là cá sấu xiêm) với tên khoa học là Crocodylus siamensis, thuộc họ cá sấu Crocodylidae. Năm 1992, loài này được cho là đã tuyệt chủng trong tự nhiên hoặc gần như thế. Kể từ đó, một số cuộc điều tra đã xác nhận sự hiện diện của loài này ở Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Indonesia. Ở Cát Tiên có khoảng 200 con cá sấu này. Việc giám sát cá sấu đã và đang được thực hiện trong hơn 10 năm qua.

Trong hồ sơ trình UNESCO, Vườn quốc gia Cát Tiên đã mô tả rằng Crocodylus siamensis ngày nay chỉ sống ở một vùng đất ngập nước rất hẹp trong khu vực Đông Nam Á mà Cát Tiên của Việt Nam là một địa chỉ hiếm hoi.

Cá sấu xiêm Crocodylus siamensis từng được một tổ chức bảo tồn quốc tế chọn làm biểu tượng nhằm thể hiện mục đích bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới và bảo tồn thiên nhiên. Trang bìa hồ sơ mà Vườn quốc gia Cát Tiên gửi UNESCO cũng dùng hình ảnh Crocodylus siamensis như một biểu tượng mới để thay thế tê giác Java. Hy vọng rằng cá sấu xiêm sẽ không chịu số phận tuyệt chủng như tê giác Java.

Nỗi lo được - mất…

Để được công nhận danh hiệu Di sản thế giới sẽ mất công, tốn kém chi phí. Vậy danh hiệu ấy có mang lại giá trị thiết thực gì không?

Ông Trần Văn Mùi cho hay danh hiệu này có thể mang về cho VN trên 500 triệu USD. Khoản lợi này sẽ đến nhờ vào du lịch và sự đầu tư của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, để có được khoản lợi này thì phải biết tổ chức tour, biết quảng bá, khai thác du lịch chứ không phải tự nhiên người ta đem tiền tới bỏ vô thùng cho ta. Chưa nói, nếu làm tốt thì khoản lợi này còn có thể cao hơn nữa, còn nếu không thì đó cũng chỉ đơn thuần là danh hiệu trên giấy mà thôi.

“Không chỉ vậy, đạt danh hiệu, các tổ chức bảo tồn quốc tế sẽ đến tìm hiểu, nghiên cứu, hỗ trợ ta nhiều công nghệ khai thác và bảo tồn tốt hơn. Tôi còn nhớ năm 1999, khi bắt tay làm hồ sơ xin công nhận Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển thì ta đang túng thiếu nhiều bề. Sau khi được công nhận thì chúng ta được Hà Lan tài trợ đến 6,3 triệu USD cho việc nâng cao năng lực bảo vệ. Ngân hàng Thế giới cũng tài trợ khoảng 7 triệu USD cho bốn tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Lắk để nâng cao đời sống cho người dân vùng đệm” - ông Mùi nói.

Ngoài ra, khi được công nhận Di sản thế giới, các tổ chức quốc tế sẽ buộc chúng ta có nghĩa vụ nhiều hơn trong việc bảo tồn. Nó giống như người nổi tiếng thì phải ráng giữ gìn hình ảnh cho tốt để khỏi bị tước danh hiệu.

MINH PHONG - QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm