Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các bộ, ngành của Chính phủ nhanh chóng rà soát, đề xuất phương án quản lý kinh tế trên một số lĩnh vực ngay trong tháng 1/2018. Các bộ, ngành trên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo tại Việt Nam theo chỉ đạo tại Quyết định số 1255/QĐ-TTG ngày 21/8/2017.
Trước đó hồi tháng 8-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan.
Trong đó, khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 8/2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Nhiệm vụ này phải hoàn thành vào tháng 6/2019.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9-2019.
Tiền ảo bitcoin đã được sử dụng để thanh toán các dịch vụ tại một số nước như Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản… Ảnh: INTERNET
Như Pháp Luật TPHCMtừng phản ánh ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng rằng cần có khuôn khổ pháp lý để quản lý các hoạt động khai thác, mua bán tiền ảo.
Chẳng hạn, có thể công nhận tiền ảo bitcoin như một thứ tài sản. Khi nhà đầu tư giao dịch đối với loại tài sản này thì sẽ bị đánh thuế ở mức cao. Điều này không chỉ tăng thu cho ngân sách mà còn bảo vệ người dân và giới đầu tư tiền ảo tránh được hàng loạt rủi ro như vỡ bong bóng hay mất thanh khoản, bị hack tài khoản tiền ảo.
Nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng nếu cấm đoán thì các giao dịch tiền ảo thay vì công khai sẽ đi vào hệ thống ngầm, khi đó lại càng khó khăn hơn trong việc quản lý. Cần sớm có khung pháp lý thừa nhận tiền ảo là một loại hàng hóa và bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để Nhà nước giám sát và thu thuế, cũng như kiểm soát các nhóm tội phạm lừa đảo lợi dụng sự hiếu kỳ, cũng như nhu cầu đầu tư thật của người dân.
Tuy nhiên, mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái khẳng định việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và bitcoin, litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Đề án quản lý thuế Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, mở rộng cơ sở thuế đối với kinh tế tư nhân theo chỉ đạo tại văn bản số 6372/VPCP- KTTH ngày 20/6/2017. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự sản, tự tiêu... theo chỉ đạo tại Thông tư số 475/TB-VPCP đã được ban hành từ tháng 10 năm ngoái. |