Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm (lần 3) vụ Huỳnh Ngọc Tòng (cựu đội phó đội điều tra Công an TP Cao Lãnh) và Phạm Xuân Bình (cựu cán bộ đội điều tra Công an TP Cao Lãnh) dùng nhục hình.
VKS đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa án, không áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 54 BLHS và áp dụng theo điểm k khoản 1 Điều 52 BLHS, tăng hình phạt đối với hai bị cáo.
Kháng nghị nêu dù tại phiên sơ thẩm, hai bị cáo không thừa nhận dùng nhục hình với bị hại nhưng với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở xác định.
|
Hai bị cáo tại phiên xử sơ thẩm lần 3. Ảnh: CTV |
Vào ngày 16-11-2012, hai bị cáo được phân công nhiệm vụ bắt khẩn cấp, lấy lời khai bị hại Nguyễn Tuấn Thanh. Trong khoảng thời gian từ 18 giờ 30 đến 23 giờ cùng ngày, Thanh đã bị hai bị cáo Tòng và Bình đánh dẫn đến tử vong.
Điều này cho thấy cả hai bị cáo không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải đối với hành vì phạm tội đã thực hiện nên không đủ điều kiện được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS.
Án sơ thẩm nhận định hai bị cáo thừa nhận hành vi dẫn giải, làm việc với bị hại trong thời gian dùng nhục hình là thật thà khai báo diễn biến sự việc làm căn cứ áp dụng tình tiết nêu trên, giảm nhẹ hình phạt là phiến diện, chủ quan, không đúng pháp luật.
Nội dung án sơ thẩm còn thể hiện thời điểm Tòng và Bình lấy lời khai thì hai tay của bị hại bị còng về phía trước. Bị hại không thừa nhận hành vi trộm cắp tài sản thì hai bị cáo đã dùng tay, chân, cây ba trắc đánh. Trong điều kiện, hoàn cảnh như trên, bị hại không có khả năng để tự vệ trước hành vi tấn công của các bị cáo.
Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng HĐXX đã không xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện chứng cứ của vụ án nên không áp dụng khi quyết định hình phạt đối với hai bị cáo là vi phạm, thiếu sót và chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong xét xử vụ án theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trong vụ án này, hai bị cáo được phân công bắt khẩn cấp, lấy lời khai, trực tiếp đánh bị hại và thống nhất để cho người khác dùng nhục hình với bị hại. Vai trò của hai bị cáo thể hiện rõ nét, xuyên suốt và tích cực từ thời điểm bắt, dùng nhục hình đến khi bị hại tử vong mà không phải vai trò đồng phạm thứ yếu gây ra cái chết cho Thanh như án sơ thẩm xác định.
Hai bị cáo không đủ điều kiện áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS. Theo VKS, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Tòng hai năm tù và Bình một năm sáu tháng tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (5-12 năm tù) là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Mức hình phạt là quá nhẹ không tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội…
Trước đó, sau nhiều lần tòa hủy án, VKS đã truy tố hai cựu công an từ khoản 1 lên khoản 3 Điều 298 BLHS năm 1999 do hậu quả chết người. Trong phiên xử sơ thẩm, đại diện VKS đề nghị xử phạt Tòng mức án 6-7 năm tù, Bình 5-6 năm tù.