Chiều 13-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết: UBND TP thống nhất với đề xuất của UBND phường Phương Sài, cho gia đình ông Nguyễn Khoái (ngụ 69 Yersin, TP Nha Trang) được thay gỗ bằng khung sắt để sửa chữa căn nhà bị hư hỏng do bão số 12.
“Tinh thần của UBND TP Nha Trang là tạo điều kiện để gia đình ông Khoái có chỗ ở sau bão. Khi giải quyết tái định cư, tiến hành giải tỏa, gia đình ông Khoái sẽ tự nguyện tháo dỡ, không yêu cầu bồi thường” - ông Toàn nói.
Cùng ngày, UBND phường Phương Sài có báo cáo gửi UBND TP Nha Trang. Theo báo cáo, ngày 9-11, phường phối hợp với Phòng Quản lý đô thị TP kiểm tra, phát hiện gia đình ông Khoái thi công sửa chữa nhà sai kết cấu, hiện trạng cũ. Cụ thể, ông Khoái dựng khung sắt hộp thay cho trụ gỗ. UBND phường đã lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu đình chỉ thi công với lý do “xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị”.
Ông Nguyễn Khoái sẽ tự tháo dỡ, không yêu cầu bồi thường phần vật liệu sắt khi giải tỏa. Ảnh: TẤN LỘC
Ngày 10-11, chủ tịch phường ra hai quyết định “đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị” với lý do là ông Khoái “tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng”. Quyết định nêu: Quá thời hạn ba ngày, kể cả ngày nghỉ, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ bộ phận công trình, công trình vi phạm thì bị cưỡng chế phá dỡ. Ngày 11-11, UBND phường phối hợp Phòng Quản lý đô thị tiếp tục kiểm tra, ra quyết định “tạm giữ tang vật”, đưa máy cắt sắt, máy khoan, thùng đồ nghề… về trụ sở.
Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh, sáng 13-11, UBND phường Phương Sài làm việc với gia đình ông Khoái để giải quyết sự việc trên.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, người trợ giúp pháp lý cho gia đình ông Khoái: Tại buổi làm việc, gia đình ông Khoái trình bày là bão số 12 đã phá tan phần mái của căn nhà, đánh vỡ các bức tường ván, đồ đạc… làm gia đình không còn nơi ở.
Không mua được gỗ vì TP Nha Trang có quá nhiều nhà bị hư hỏng, nếu sử dụng lại gỗ cũ sẽ không an toàn nên gia đình ông mua sắt hộp làm trụ, khung để lợp lại mái tôn trong phần tường nhà còn lại làm nơi tạm trú và không hề có ý định xây dựng kiên cố, tăng giá trị bồi thường khi giải tỏa mà chỉ để giải quyết nhu cầu chỗ ở trước mắt.
Cũng theo luật sư Hà, chủ tịch UBND phường giải thích việc ban hành các quyết định đình chỉ thi công, tạm giữ tang vật, phương tiện là do gia đình ông Khoái sửa chữa lại nhà không đúng kết cấu cũ (thay gỗ bằng khung sắt). Việc phường ra các quyết định cưỡng chế, đình chỉ không liên quan đến việc giải quyết tranh chấp đất đai, không liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án theo yêu cầu của chủ đầu tư. “Tại cuộc làm việc, phường hướng dẫn gia đình ông Khoái cam kết không yêu cầu bồi thường đối với vật liệu dựng nhà tạm để phường đề xuất UBND TP Nha Trang cho gia đình ông Khoái sửa chữa căn nhà” - luật sư Hà thông tin.
Cùng ngày, gia đình ông Khoái đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng cam kết: Khi có quyết định giải quyết có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất hoặc có kết quả thương lượng, hòa giải thành giữa gia đình ông với chủ đầu tư dự án, gia đình sẽ tự nguyện tháo dỡ, không yêu cầu bồi thường giá trị vật liệu dựng nhà tạm nêu trên.