Ngày 12-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, xác nhận ông vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 gây ra tại tỉnh này.
Đối với việc sửa chữa, khắc phục nhà của người dân bị sập, hư hỏng, ông Quang nói: “Tinh thần là phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, không để người dân nào là không có chỗ ở. Giải quyết gì cũng phải trên tinh thần để người dân có chỗ ở, tránh mưa tránh bão”.
Tỉnh Khánh Hòa có đến hơn 2.700 căn nhà bị sập hoàn toàn do bão số 12. Ảnh: TẤN LỘC
Trước đó, chủ trì hội nghị giao ban của Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Lê Thanh Quang đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương ở Khánh Hòa tập trung triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12.
Bí thư Tỉnh ủy thống nhất chủ trương hỗ trợ xây nhà ở cho người dân có nhà bị sập hoàn toàn do bão số 12 gây ra, thống nhất với mức hỗ trợ thêm theo báo cáo, đề xuất của UBND tỉnh ngoài mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/hộ theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương xác minh, phân loại cụ thể các đối tượng để có phương án hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công bằng, công khai.
Riêng đối với các hộ có nhà bị sập nhưng thuộc các trường hợp xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm quy hoạch, ông Lê Thanh Quang yêu cầu chính quyền các cấp khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý nhà của dân trong các khu vực có dự án nhưng chưa tiến hành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì tạo điều kiện để người dân xây dựng tạm để có chỗ ở.
Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Khánh Hòa, bão số 12 tại tỉnh này đã làm hơn 2.700 căn nhà bị sập hoàn toàn, trên 114.000 căn nhà khác bị hư hỏng, tốc mái.
* Liên quan đến việc chủ tịch UBND phường Phương Sài, TP Nha Trang ra quyết định buộc gia đình ông Nguyễn Khoái (74 tuổi, ngụ 69 Yersin, TP Nha Trang) phải phá dỡ phần nhà sửa chữa do bão làm hư hỏng với lý do thay cây gỗ bằng trụ sắt, đất đã có thông báo thu hồi, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nói ông chưa nắm cụ thể nên chưa có ý kiến.
Gia đình ông Nguyễn Khoái xin sửa chữa lại nhà sau bão bằng việc thay cây gỗ bằng trụ sắt nhưng UBND phường không chấp nhận.
Trong diễn biến liên quan đến vụ việc này, chiều 11-11, ông Nguyễn Khoái có đơn kêu cứu lần hai, đề nghị UBND TP Nha Trang cho phép gia đình ông được khôi phục, sửa chữa tạm căn nhà để ở.
Theo trình bày của ông Khoái, gia đình ông không xây dựng công trình xây dựng bê tông cốt thép mà chỉ khắc phục, sửa chữa lại trong phần nhà bị hư hỏng do bão nên không thể buộc gia đình ông phải có giấy phép xây dựng công trình xây dựng. Cũng theo ông Khoái, về kết cấu, trước đây đa phần bằng vật liệu gỗ đã hư hỏng hoàn toàn, không sử dụng được. Việc dựng lại bằng gỗ trong thời điểm này là không có vật liệu, không an toàn. Do đó gia đình ông Khoái chỉ sử dụng khung sắt, tôn để che chắn trong phần tường nhà còn lại.
“Khi có quyết định giải quyết có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai hoặc có kết quả thương lượng, hòa giải thành giữa gia đình chúng tôi với chủ đầu tư dự án, chúng tôi sẽ tự nguyện tháo dỡ nhà tạm này và không yêu cầu bồi thường đối với vật liệu tôn, sắt dựng nhà tạm để ở” - ông Khoái cam kết.
Trong đơn, ông Khoái đề nghị UBND TP Nha Trang chấp thuận để UBND phường Phương Sài không tiến hành tổ chức cưỡng chế phá dỡ vật liệu che chắn căn nhà để phần còn lại của căn nhà ông không bị sập đổ, bảo vệ tính mạng gia đình ông.