Ngày 26-12, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức khánh thành và cho thông xe cây cầu nối hai tỉnh này.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: LÊ ÁNH |
Dự án xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh có chiều dài tuyến hơn 800 mét. Tổng mức đầu tư là 411,880 tỉ đồng từ vốn ngân sách tỉnh Bình Dương.
Trong đó, phần cầu dài 330,5 mét, phần đường dẫn phía Bình Dương dài 377,7 mét, phần đường dẫn phía Tây Ninh dài 92,2 mét.
Phía Bình Dương giao với đường ĐT 744, (thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng). Phía Tây Ninh đấu nối vào dự án Đường Đất Sét - Bến Củi (huyện Dương Minh Châu).
Để phối hợp với Bình Dương đồng bộ hệ thống giao thông khu vực này, phía Tây Ninh cũng chi 517 tỉ đồng cho dự án mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi dài toàn tuyến hơn 16,9 km, để kết nối với cây cầu.
Như vậy để đồng bộ hệ thống giao thông này hai tỉnh đã chi gần 1000 tỉ đồng để xây dựng đường và cầu.
Lãnh đạo hai tỉnh cắt băng khánh thành cây cầu nối hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Ảnh: LÊ ÁNH |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết dự án xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương với Tây Ninh tạo thuận lợi cho giao thông, phát triển kinh tế. Đặc biệt, góp phần đẩy nhanh kết nối vùng, thúc đẩy sự phát triển cho cả khu vực Đông Nam Bộ.
Còn ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch Tỉnh Tây Ninh, cho biết cây cầu được thông xe thì Tây Ninh và Bình Dương có 3 cây cầu nối hai địa phương với nhau (hai cây cầu hiện hữu là cầu Sài Gòn và cầu Bến Củi).
Cây cầu được thông xe không chỉ thúc đẩy kinh tế hai tỉnh phát triển mà cùng góp phần cho phát triển kinh tế của cả Đông Nam Bộ. Ảnh: LÊ ÁNH |
Theo ông Thắng sắp tới Bộ GTVT tiếp tục đầu tư xây dựng cầu Thanh An (nằm trên trục đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa). Riêng Tây Ninh và Bình Dương đã thống nhất quy hoạch thêm 2 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối thị xã Trảng Bàng và huyện Dầu Tiếng.