Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa thực hiện khảo sát nhanh tình hình doanh nghiệp cuối năm 2023 và nhận định bối cảnh kinh doanh năm 2024.
DN lạc quan hơn
Kết quả khảo sát hơn 2.700 doanh nghiệp cho thấy mặc dù khó khăn vẫn đang tiếp diễn nhưng tình hình của doanh nghiệp đã lạc quan hơn, thể hiện niềm tin đã quay trở lại.
Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tích cực/rất tích cực tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay gấp 2.7 lần so với khảo sát mà Ban IV tiến hành hồi tháng 4-2023. Tỷ lệ đánh giá tích cực/rất tích cực về kinh tế ngành hiện tại cũng cao gấp 2.5 lần.
Các doanh nghiệp cũng có đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô 12 tháng tới gấp gần 3 lần; tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô mạnh tăng gấp 2 lần; tỷ lệ mở rộng quy mô vừa phải tăng gấp 2.5 lần.
Các chỉ số, chỉ báo khác về triển vọng tiếp cận vốn, triển vọng thị trường, đánh giá hiệu quả hỗ trợ của chính quyền địa phương đều có tỷ lệ, điểm đánh giá cao hơn khảo sát tháng 4.
Khó khăn vẫn bủa vây
Mặc dù niềm tin của doanh nghiệp đã dần quay trở lại nhưng qua góc nhìn của doanh nghiệp cũng thấy rằng tình hình và triển vọng kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Khảo sát của Ban IV cho thấy có đến 69% doanh nghiệp đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế năm 2024.
Về sức mạnh nội tại và dự kiến kinh doanh, có 72,8% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2024. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh chờ giải thể khoảng 11.8%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12.2%; dự kiến giảm mạnh quy mô 28.2% và dự kiến giảm nhẹ quy mô 20.6%.
Trong số các doanh nghiệp dự kiến còn hoạt động năm 2024, có gần 59% có thể giảm quy mô lao động trên 5%, 16.6% giảm trên 50%. Có 60% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 17.3%.
Đặc biệt, so với khảo sát tháng 4, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong khảo sát tháng 12 không có xu hướng giảm như hầu hết các chỉ báo khác. Thực trạng này cũng cùng xu hướng so với số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê công bố tháng 4 và tháng 12-2023.
Số liệu khảo sát và thống kê cho thấy rằng, doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau hai năm Covid 19 và hai năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Xây dựng chính sách tăng cường các động lực phát triển mới
Với tình hình của doanh nghiệp như vậy, Ban IV cho rằng năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp, Ban IV đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm kiến nghị.
Một là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công để nâng cao chất lượng các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia và cơ sở hạ tầng kết nối nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh dài hạn.
Hai là trọng tâm phát triển nhân lực công nghệ cao, đặc biệt nhân lực cho hệ sinh thái bán dẫn và các xu hướng công nghệ xanh, công nghệ số hiện đại để tận dụng cơ hội do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của thế giới đem lại.
Ba là xây dựng nền hành chính, quản trị công kỷ cương, phục vụ, hiệu quả trong đó nhấn mạnh đến các cơ chế chọn lựa và sử dụng nhân tài.
Bốn là xây dựng các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân một cách thực chất; hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp dân tộc dẫn dắt vì đây là động lực quan trọng để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Năm là chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh và tuần hoàn để hòa nhịp xu hướng phát triển bền vững của thế giới.