Khi cha đồng tính nuôi con

Với một số người đồng tính, nhu cầu có con vẫn là rất thật. Hiện có nhiều trường hợp muốn sử dụng biện pháp “mang thai hộ” để được làm cha đơn thân mà không phải vướng bận vào chuyện vợ - chồng nhưng pháp luật Việt Nam chưa cho phép. Một số người đã dùng biện pháp khác để có con và xảy ra những mối quan hệ phức tạp giữa vợ chồng và phức tạp nhất là việc nuôi dạy con cái.

Sinh cháu cho ông bà nội

Thiêm là một chàng trai đồng tính, quê ở Hưng Yên lặn lội làm ăn ở Sài Gòn. Anh cảm thấy rất thoải mái với giới tính hiện tại nhưng ngặt một nỗi bố mẹ anh ở quê vẫn tưởng anh là “người đàn ông đích thực” đến tuổi lấy vợ, dựng nhà nên ngày đêm thúc giục. Hơn nữa, anh lại là con trưởng và là con trai duy nhất trong nhà. Áp lực cần có người nối dõi tông đường đè nặng tâm lý anh suốt một thời gian dài. Cuối cùng anh nghĩ ra một kế sách hoàn hảo: Lấy một cô vợ có “thỏa thuận”, sinh con rồi ly dị vì lý do không hợp. Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, anh được làm cha, cha mẹ anh có cháu nối dõi tông đường. Và anh tiếp tục tự do cuộc sống theo giới tính của mình. Điều đáng nói là với đứa bé anh chỉ sống theo nghĩa vụ. Bé sống chung với ông bà ở quê, anh thường xuyên gửi tiền cấp dưỡng, một năm đôi ba lần giỗ chạp, tết nhất anh về quê thăm bố mẹ và nhân thể thăm con. Hiện nay bé còn nhỏ, ông bà cũng chăm sóc chu đáo, cháu không thiếu thốn về vật chất và chưa thắc mắc gì về thân phận của mình nhưng khi cháu lớn lên liệu đời sống tinh thần cháu có được quân bình khi thiếu sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ?

Nuôi con từ xa

Anh Tâm quê ở Tiền Giang, là giám đốc một công ty có tiếng tăm ở TP.HCM, có học thức, ứng xử hào hiệp nên thường là tâm điểm chú ý, săn đuổi của các cô gái trẻ. Thế nhưng anh vẫn dửng dưng với mọi lời ướm mở, ngỏ ý hoặc trêu chọc và giữ quan hệ bình thường với mọi bóng hồng. Với bạn trai, anh vui vẻ cởi mở hết mình. Nhà anh rộng cửa tiếp đón bạn trai, có người nhậu nhẹt rồi về nhưng cũng có người ngủ lại qua đêm. Dư luận nghi hoặc, có tiếng đồn anh quan hệ thân thiết quá mức bình thường với bạn trai. Anh không đính chính cũng không xác định. Bẵng một thời gian anh có việc phải chuyển ra Hà Nội và sau đó khi về lại TP.HCM anh tuyên bố đã có con trai với một cô gái ở đây. Không nói suông mà có hình ảnh, con người, địa chỉ cụ thể. Với cha mẹ, anh cũng giới thiệu hình ảnh cháu nội trai. Không chính thức kết hôn nhưng mỗi lần ra Hà Nội anh vẫn về thăm con, vẫn tay xách nách mang quà bánh. Thậm chí anh còn mời bạn bè về “nhà” bù khú, sinh hoạt trong nhà đầm ấm tự nhiên như một gia đình thật sự. Người “vợ” cũng tỏ ra hài lòng về cuộc sống chung tạm bợ này. Tuy vậy, khi hỏi bao giờ chính thức sống chung, có tính chuyện sum họp hay cứ người Nam kẻ Bắc, anh chỉ mỉm cười. Và lối sống cởi mở, thân mật của anh với bạn trai vẫn không thay đổi. Với đứa bé, rõ ràng anh vẫn yêu thương, cho học trường mầm non chất lượng cao, trường tiểu học quốc tế. Thế nhưng giữa hai cha con vẫn còn đó khoảng cách Bắc Nam rất khó lấp đầy.

Ở chung mà vẫn xa

Anh Hưng là một chuyên gia PR có tiếng. Anh có phong cách và kỹ̉ thuật độc đáo tạo dấu ấn cho các chiến dịch truyền thông. Trong thế giới đầy hào quang ấy anh lại chọn cô vợ là đồng nghiệp nhan sắc bình thường, chỉ được cái tính tình hiền hòa nhu thuận. Họ có hai con trai giống cha như đúc. Từ sau ngày cưới, cô vợ càng lúc càng sống khép kín, cô nghỉ việc để làm vợ, làm mẹ. Anh Hưng vẫn hằng ngày tỏa sáng và chung quanh anh là cả đội ngũ những chàng trai xinh đẹp. Ngày ngày anh vui vẻ với cuộc sống giao tiếp, thù tạc mãi đến khuya lắc mới về nhà. Tình cảm và mức chăm sóc con cái của anh nhợt nhạt như người xa lạ. Hóa ra anh Hưng chỉ cưới vợ sinh con như một bức bình phong để che giấu giới tính thật của mình. Dù sống chung với cha trong một mái nhà nhưng khoảng trống của hai đứa trẻ về tình cảm cha con là không thể lấp đầy.

Theo điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2000, 33% cặp đồng giới nữ và 22% cặp đồng giới nam đang sống với ít nhất một người con dưới 18 tuổi. Để có con, họ thường xin con nuôi, thụ tinh nhân tạo hoặc nhận đỡ đầu hoặc có khi con là con riêng của một người với vợ hoặc chồng cũ. Ước tính năm 2005, ở Mỹ có khoảng 270.313 trẻ em là con của những cặp đồng giới.

Một vấn đề quan tâm là khi con cái được nuôi bởi những cặp đồng giới có khả năng trở thành đồng tính khi lớn lên hay bị rối loạn về giới tính hay không. Khi nghiên cứu các cặp sinh đôi, bằng chứng cho thấy thiên hướng tình dục không chỉ do một yếu tố gây ra là yếu tố sinh học hoặc yếu tố môi trường. Một số nghiên cứu so sánh những người con của hai người mẹ và của một cha một mẹ cho thấy không có sự liên quan giữa việc nuôi con của một người đồng giới và sự hình thành thiên hướng tình dục là đồng tính của con.

Cuộc nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Demography (nhân khẩu học), sử dụng tư liệu thống kê dân số Hoa Kỳ làm căn bản cho việc nghiên cứu. Kết quả cho thấy 7% trẻ em được nuôi dưỡng bởi những cặp dị tính kết hôn ở lại lớp một năm, trong lúc 9,5% trẻ em được nuôi dưỡng bởi những cặp phối ngẫu đồng tính nhồi lại một lớp.

(Tổng hợp từ Internet)

Với vai trò của người làm trong một tổ chức về Quyền của người đồng tính, lưỡng tính và người chuyển giới (LGBT), tôi có ba điều muốn chia sẻ như sau:

Đừng để chuyện con cái làm “bình phong” xảy ra, dù có bất cứ lý do nào. Tốt nhất đừng mang những nguyên nhân như dòng tộc, nối dõi hay thèm thích có con… v.v… để xem nhẹ hạnh phúc của một người khác.

Nghiên cứu ở Mỹ về những cặp đồng tính nuôi con cho thấy không có sự khác biệt về mặt chất lượng khi những cặp ông bố hay bà mẹ đồng tính nuôi con, tất nhiên cũng không có cách nào đặc biệt hơn để chăm sóc hay cần phải chuẩn bị tâm lý gì cho chúng. Nếu có những trường hợp tệ hơn xảy ra thì đó là do chính sự kỳ thị của xã hội mang lại.

Gia đình hạnh phúc cần sự yêu thương, chăm sóc và chia sẻ. Mà tình yêu của hai người cha, hai người mẹ hay một cặp cha mẹ dành cho đứa con của mình đều như nhau.

HUỲNH MINH THẢO, đại diện Nhóm Kết nối và chia sẻ ICS

BÌNH MINH - PHẠM THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới