Cụ thể, 62% người trưởng thành được khảo sát (không phân biệt giới tính, tuổi tác, tình trạng hôn nhân) cho rằng, chia sẻ việc nhà rất quan trọng đối với một cuộc hôn nhân; chỉ 7% cho là không quan trọng.
Nếu so sánh với kết quả nghiên cứu tương tự vào năm 1990, lúc đó chỉ có 47% nhìn nhận chia sẻ việc nhà rất quan trọng để duy trì sự thành công của hôn nhân. Có thể thấy nhu cầu được vợ/chồng cùng gánh vác việc nhà đã tăng lên và ngày càng có nhiều người chấp nhận chia sẻ việc nhà với bạn đời. Ngoài ra, trong một khảo sát của Hãng truyền hình MSNBC, khi được hỏi việc nhà nên do một người (vợ hoặc chồng) đảm trách hay nên cùng nhau chia sẻ, có 74% đàn ông trả lời cả hai người phải san sẻ cho nhau, trong lúc chỉ 26% đàn ông cho đó là việc của phụ nữ. Nhiều người cho rằng, cách tốt nhất (hoặc khoa học nhất) là vợ chồng cùng bàn bạc, chia việc cho nhau. Hãy cầm giấy bút phân chia… giới tuyến cho rạch ròi và treo danh sách việc nhà ấy vào một chỗ dễ thấy nhất để cứ thế làm theo. Thế nhưng, điều đơn giản đó hóa ra lại là vấn đề nan giải đối với gia đình Heidi và Sam. Sau ca trực đêm ở bệnh viện, Heidi mới bước vào nhà đã nổi điên vì đống quần áo bẩn, nhà tắm và bồn vệ sinh không chùi rửa, chồng thì đang ngủ ngon lành. Nghe vợ cằn nhằn ầm ĩ, Sam tỉnh ngủ và tỏ ra cáu kỉnh, bởi anh cho rằng mình luôn có ý thức chia sẻ việc nhà với vợ, chỉ tại Heidi không hài lòng. Sam tuôn một tràng: “Từ khi kết hôn, tôi biết dọn dẹp và lau chùi, hơn hẳn lúc là sinh viên. Tôi không dám ném quần áo bừa bãi trên sàn nhà, ăn uống xong là tôi rửa ngay chén, đĩa dơ của mình. Tôi còn biết nấu ăn. Chỉ có cô không chịu hiểu tôi cũng mệt vì công việc. Lúc này tôi cần ngủ, lúc khác tôi sẽ dọn dẹp tiếp”. Heidi và Sam là vợ chồng trẻ mới cưới. Với hy vọng sớm mua được nhà riêng, họ đang phải làm thêm giờ để vừa thanh toán các khoản nợ lúc còn đi học, vừa tiết kiệm tiền mua nhà. Hậu quả: họ ít có thời gian rảnh và càng hiếm có dịp bên nhau. Họ thống nhất là cần chia sẻ việc nhà, nhưng hễ ngồi lại để chia việc cụ thể thì lập tức cãi nhau. Theo các chuyên viên tâm lý, khi bất đồng trong việc chìa vai gánh vác chuyện nội trợ, thay vì cố sức phân biệt việc nào của ai, vợ chồng hãy cùng lên danh sách những việc cả hai ghét làm nhất. Nếu có một số việc cả hai đều không chịu làm (như cọ rửa bồn vệ sinh) thì có thể đi đến thỏa thuận là cả hai cùng làm hoặc dành một khoản tiền để thuê người giúp việc theo giờ. Một lưu ý nữa là đồng hồ sinh học của vợ chồng có thể khác nhau, người thích làm việc buổi sáng, kẻ lại hăng hái vào buổi tối. Vì vậy, đừng cố ép bạn đời làm việc nhà theo thời gian biểu của mình, mà hãy linh hoạt trong phối hợp và ứng xử với nhau. Mặt khác, đừng nghĩ theo cách truyền thống, đàn ông làm việc nhà dễ bị đánh giá là “sợ vợ” mà hãy nghĩ theo hướng làm việc nhà cũng là cơ hội thể hiện bản lĩnh phái mạnh, vì khẳng định sự độc lập, tự chủ và giúp người đàn ông biết cách tự chăm sóc bản thân, nuôi nấng con cái theo mong muốn của mình.
Theo Vĩnh Linh (PNO/About)