Năm 2024 là năm ghi nhận nhiều kỷ lục thời tiết đáng buồn. Năm nay là năm có mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận, kỷ lục nhiệt độ tại nhiều nước bị phá vỡ, những cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm cũng xuất hiện.
Những hiện tượng này một lần nữa là lời báo động cho việc hành tinh chúng ta đang đối mặt tình trạng biến đổi khí hậu ngày trầm trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, năm qua cũng chứng kiến những cam kết mới cho khí hậu, mở ra những hy vọng mới cho tương lai hành tinh.
Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp trong năm 2024
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến môi trường theo nhiều cách khác nhau, bao gồm nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt,… Những hiện tượng này ảnh hưởng đến những yếu tố mà chúng ta phụ thuộc và coi trọng như nguồn nước, năng lượng, giao thông, động vật hoang dã, nông nghiệp, hệ sinh thái và sức khỏe.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng mạnh đến hành tinh của chúng ta.
Dữ liệu được ghi nhận từ tháng 1 đến tháng 11-2024 cho thấy năm 2024 chắc chắn là năm nóng nhất được ghi nhận và là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Trước đó, năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Mực nước biển trung bình toàn cầu đã dâng 21 đến 24 cm kể từ năm 1880. Đến tháng 5-2024, những sông băng được theo dõi đã mất băng trong 36 năm liên tiếp. Trong hơn nửa thế kỷ qua, lượng tuyết phủ vào cuối mùa xuân cũng được ghi nhận đã giảm.
Cùng với đó, lượng khí CO2 trong không khí cao hơn 50% so với trước Cách mạng Công nghiệp. Tần suất các cơn bão trong năm qua cũng diễn ra bất thường hơn, với cường độ đáng quan ngại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiên cứu cho thấy khoảng 3,6 tỉ người đang sống ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Từ năm 2030 đến năm 2050, biến đổi khí hậu được dự đoán gây ra thêm khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm, chủ yếu do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và căng thẳng do nhiệt.
Biến đổi khí hậu tác động đến xã hội của chúng ta theo nhiều cách khác nhau.
Hạn hán có thể gây hại cho sản xuất lương thực và sức khỏe con người. Lũ lụt có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại cho hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng.
Rộng hơn, các vấn đề sức khỏe con người do hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác làm tăng tỉ lệ tử vong, thay đổi nguồn cung cấp lương thực, hạn chế khả năng hoàn thành công việc của người lao động và cuối cùng là ảnh hưởng năng suất của nền kinh tế của chúng ta.
Biến đổi khí hậu cũng có tác động lâu dài. Trong đó, những cộng đồng ít được tiếp cận với các nguồn lực để tự bảo vệ mình hoặc ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu thường là những cộng đồng dễ bị tổn thương hơn những cộng đồng khác.
Điểm sáng khí hậu trong năm qua
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan trong tháng 11, các nước phát triển đã nhất trí nâng mục tiêu tài chính khí hậu hàng năm thành 300 tỉ USD mỗi năm từ nay đến năm 2035, để giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Đây được coi là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đạt được sau nhiều ngày tranh luận căng thẳng giữa các nhà đàm phán. Thỏa thuận tài chính khí hậu chính thức được thông qua vào lúc 2 giờ 40 phút sáng 24-11 (giờ địa phương).
Theo đài CNN, nguồn tài chính khí hậu 300 tỉ USD này sẽ được huy động cả từ khối công lẫn tư nhân ở các nước giàu có để chuyển đến các quốc gia nghèo hơn, để giúp các nước này đối phó với thời tiết ngày càng khắc nghiệt và chuyển đổi nền kinh tế của họ sang sử dụng năng lượng sạch.
Số tiền cam kết vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 1.300 tỉ USD/năm mà các quốc gia đang phát triển nhấn mạnh là cần thiết để hỗ trợ ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng một số chuyên gia nhận định đây là bước khởi đầu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, những nhà hành động khí hậu cũng hy vọng rằng các nước giàu cần hành động nhiều hơn để giúp các giải quyết vấn đề khí hậu.
Trong tháng 12, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) tổ chức phiên điều trần để làm rõ trách nhiệm pháp lý của các quốc gia về tình trạng nóng lên toàn cầu. Đây là lần đầu tiên cơ quan tư pháp cao nhất của Liên Hợp Quốc tổ chức phiên điều trần liên quan biến đổi khí hậu và đây cũng là phiên điều trần quy mô lớn nhất kể từ khi ICJ được thành lập.
Hiện tại, các thẩm phán ICJ chưa ấn định ngày sẽ đưa ra ý kiến kết luận về phiên điều trần hiện tại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ý kiến kết luận của ICJ có thể được đưa ra vào mùa hè năm 2025.
Theo tờ The New York Times, mặc dù ý kiến tư vấn của ICJ về các vấn đề pháp lý liên quan khí hậu sẽ không mang tính ràng buộc, nhưng ý kiến của ICJ có thể gây áp lực và buộc các nước cân nhắc lại việc hoạch định chính sách.
Ngoài ra, ý kiến kết luận từ phiên điều trần của ICJ cũng có thể ảnh hưởng đến các toàn án tại các nước, đặc biệt là tại các nước có phong trào biểu tình mạnh về chống biến đổi khí hậu và chống sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Cùng với các cam kết và hành động pháp lý có lợi cho khí hậu trên toàn cầu, những kết quả thực tế trong quá trình chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cũng xuất hiện.
Vào tháng 11, chính phủ Brazil thông báo nạn phá rừng tại Amazon đã xuống mức thấp nhất trong khoảng 10 năm qua. Từ tháng 8-2023 đến tháng 8 năm nay, nạn phá rừng hàng năm đã giảm 30,6% so với cùng kỳ trước đó.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch cũng đang dần được loại bỏ. Theo tạp chí MIT Technology Review, năm 1990, than đáp ứng khoảng 65% nhu cầu điện của nước Anh, nhưng vào ngày 30-9-2024, nhà máy điện than cuối cùng của quốc gia này đã đóng cửa. Tại Mỹ, tỉ lệ điện được tạo nên từ than đá đã giảm từ mức 50% vào khoảng những năm 1980 xuống còn 16% trong thời gian gần đây.