Vụ lụa Khaisilk đánh cắp niềm tin của người tiêu dùng chưa lắng xuống thì lại nổi lên nghi vấn hệ thống siêu thị Con Cưng trải dài trên khắp cả nước có dấu hiệu lừa dối khách hàng.
Cơ quan hữu trách đang tiếp tục kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu sai phạm của Con Cưng. Nhưng qua kiểm tra bước đầu cho thấy Con Cưng có dấu hiệu gian lận thương mại, đánh tráo nguồn gốc xuất xứ.
Nói cách khác, như một số chuyên gia nhìn nhận việc Con Cưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của sản phẩm thì chỉ có thể do hai khả năng: Nhập hàng lậu hoặc bán hàng trôi nổi nhưng cắt nhãn mác, “thay tên đổi họ” rồi bán với giá trên trời.
Nó cũng giống như trường hợp khăn lụa Khaisilk nhập hàng Trung Quốc về gắn mác “made in Vietnam” bán với giá hàng cao cấp. Thực chất đó là hành vi lừa dối, vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Hàng thay mác tức là hàng giả và người tiêu dùng phải mua hàng giả là không chấp nhận được.
Hành vi này lại một lần nữa giáng một đòn mạnh vào lòng tin của người tiêu dùng, khiến họ nổi giận. Bởi lâu nay họ tin tưởng vào cam kết của hệ thống siêu thị Con Cưng rằng “…chúng tôi kinh doanh tuân thủ mọi quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu”. Tin vào cam kết này nên đã có rất nhiều bà mẹ, em bé sử dụng hàng của Con Cưng để rồi họ có thể đã trở thành nạn nhân.
Khi bị tước đoạt niềm tin, nhiều khách hàng bây giờ nghi ngờ Con Cưng không chỉ mập mờ chuyện nhãn mác với quần áo mà cả những mặt hàng khác để kiếm siêu lợi nhuận. Thậm chí nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, sau đó phù phép thay mác và bán với giá cắt cổ, thu lợi bất chính. Điều này cũng đồng nghĩa thương hiệu Con Cưng đã tự tay mình hại mình sau bao năm gầy dựng!
Nhưng vụ việc nghiêm trọng này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến cả hình ảnh cộng đồng kinh doanh đang nỗ lực gầy dựng niềm tin với người tiêu dùng. Nếu cứ làm ăn kiểu Con Cưng thì liệu người tiêu dùng còn biết tin vào thương hiệu nào? Biết tin vào ai khi doanh nghiệp liên tục phụ lòng khách hàng, không thực hiện đúng cam kết, giữ uy tín?
Đó mới chính là mất mát lớn nhất mà các doanh nghiệp làm ăn kiểu Con Cưng gây ra. Chính vì vậy có người cho rằng nếu đây là lỗi cố tình vi phạm của Con Cưng thì phải khởi tố hình sự. Còn nếu đây là lỗi của nhà cung cấp thì bản thân Con Cưng phải khởi kiện nhà cung cấp về tội lừa đảo và cơ quan pháp luật cần vào cuộc làm rõ trắng đen.
Qua vụ việc này cũng chỉ ra không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà sẵn sàng bán rẻ chữ tín, đánh lừa người tiêu dùng bằng nhiều thủ đoạn. Đáng lý ra những hành vi này phải được cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn sớm chứ không đợi khách hàng, báo chí lên tiếng rồi mới vào cuộc.
Một khi cơ quan hữu trách không mạnh tay với những hành vì bất chính thì người tiêu dùng khó có được niềm tin vững chắc với hàng Việt, các thương hiệu Việt. Khi đó không thể trách người Việt sính hàng ngoại trong khi hàng Việt chân chính có khi còn chất lượng hơn.