Nhưng tại một phiên xử hình sự sơ thẩm của TAND TP.HCM, khi đọc cáo trạng kết tội bị cáo, người dự khán lại thấy giọng của kiểm sát viên nghẹn ngào.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo LVL trước đây công tác tại công an một phường ở TP.HCM, đến tháng 10-2014 thì nghỉ hưu, sống cùng vợ tại quận Bình Tân. Vợ bị cáo làm ăn thua lỗ, liên tục bị các chủ nợ đến thúc ép. Quẫn bách, bà hay đòi tự tử.
Khuya 5-1, đang ngủ, bị cáo L. bị đánh thức vì tiếng khóc của vợ nên ngồi dậy khuyên nhủ. Dù bị cáo hết mực an ủi, người vợ vẫn lấy con dao trong ngăn kéo ra đòi tự vẫn. Bị cáo giật lấy dao, tiếp tục khuyên ngăn nhưng người vợ cứ một hai đòi chết. Trong giây phút bế tắc về tâm lý, bị cáo đã đâm nhiều nhát vào ngực vợ, sau đó viết thư tuyệt mệnh rồi tự đâm vào người. Ngay sau đó, người nhà phát hiện, đưa vợ chồng họ đi cấp cứu. Bị cáo may mắn thoát chết nhưng người vợ thì không qua khỏi...
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử sơ thẩm một vụ án. Ảnh minh họa
Khai tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo L. cho biết không rõ vì sao người vợ lại vay mượn nhiều tiền đến vậy. Do rất yêu vợ nên dù bà có lỗi lầm gì, bị cáo vẫn nghĩ rằng hai vợ chồng phải cùng nhau vượt qua khó khăn. Nhưng nhìn vợ ngày đêm phải dằn vặt, sợ hãi, quẫn trí vì nợ nần, bị cáo đã có quyết định tiêu cực là giải thoát cho vợ rồi tự tử để cả hai ra đi thanh thản, ở bên nhau mãi mãi.
Lời thú tội của bị cáo L. đã khiến HĐXX ngậm ngùi. Theo HĐXX, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có lý lịch và nhân thân tốt, bản thân được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, có cha là liệt sĩ…Từ đó HĐXX khoan hồng, chỉ phạt bị cáo bảy năm tù về tội giết người (nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKS).
Suốt phiên xử, gia đình hai bên cũng không một lời oán trách mà còn xót thương người đàn ông mang tội giết vợ này. Vì thế, khi nghe HĐXX tuyên án xong, họ đã mừng rỡ ôm nhau, bật khóc...