Năm 2001, ông A. được UBND một huyện tại TP.HCM cấp giấy đỏ một mảnh đất. Bốn năm sau, ông A. bị ông B. khởi kiện tranh chấp quyền sử dụng mảnh đất này. Sau đó, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm đều tuyên ông B. thắng kiện.
Bắt buộc phải có yêu cầu độc lập
Tháng 8-2010, chánh án TAND Tối cao đã có văn bản kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm trong vụ kiện giữa ông A. và ông B. Sau đó, cấp giám đốc thẩm đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án về cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu theo thủ tục chung.
Thụ lý lại, TAND huyện xác định trong vụ án này, ngoài bên nguyên, bên bị thì còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty C. Trước đó, công ty này được chính quyền địa phương giao đất để giải phóng mặt bằng, xây dựng dự án khu nhà ở. Để triển khai dự án, công ty này đã thỏa thuận bồi thường cho ông B. để thu hồi mảnh đất (hai bên cũng đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo quy định).
Trong quá trình giải quyết lại vụ án, TAND huyện đã yêu cầu Công ty C. phải có “Đơn yêu cầu xét xử độc lập” cùng với các tài liệu chứng minh liên quan đến thỏa thuận bồi thường... Tòa cũng yêu cầu Công ty C. nộp tạm ứng án phí cho yêu cầu độc lập này. Theo tòa, dù công ty chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng nếu không có yêu cầu độc lập thì tòa sẽ không có cơ sở để giải quyết những vấn đề cụ thể của công ty.
Được không?
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự, tư cách tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không phải do bản thân họ quyết định mà do thực tế của vụ việc, yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn cũng như mối quan hệ pháp lý giữa các bên trong vụ việc. Dù người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không yêu cầu xét xử nhưng nếu cần thiết, qua xem xét, tòa có quyền quyết định đưa họ tham gia vụ án (khoản 4 Điều 56). Trong quá trình tham gia tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền có yêu cầu độc lập (khoản 1 Điều 61).
Vấn đề là luật chỉ quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền có yêu cầu độc lập, chứ không phải nghĩa vụ. Mặt khác, trong các nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 58, Điều 59, Điều 60 tùy trường hợp) thì không có nghĩa vụ nào là bắt buộc họ phải có yêu cầu độc lập cả.
Như vậy, việc tòa buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải đưa ra yêu cầu độc lập và phải nộp tạm ứng án phí cho yêu cầu đó như trường hợp của Công ty C. liệu đã ổn? Nếu họ thật sự không muốn có yêu cầu gì, đề nghị tòa “cứ xử đúng pháp luật” thì sao? Tòa sẽ không có căn cứ giải quyết phần liên quan của họ hay đây là nghĩa vụ xét xử của tòa?
Theo tôi, điểm b khoản 1 Điều 61 quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể lựa chọn một trong ba hình thức theo đuổi vụ kiện: Có yêu cầu độc lập; tham gia tố tụng với bên nguyên đơn; tham gia tố tụng với bên bị đơn. Quy định này có thể hiểu là một hướng “mở” cho đương sự lựa chọn chứ không phải quy định giới hạn quyền lựa chọn. Bởi lẽ trên thực tế, tư cách tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bên không khởi kiện và cũng không bị kiện (khoản 4 Điều 56).
Vì thế, việc tòa bắt buộc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có yêu cầu độc lập đã vô tình đẩy họ vào tình thế bị lôi kéo vào vụ việc một cách bất đắc dĩ đối với những tình huống họ không thể biết hoặc buộc phải biết trong mối quan hệ với các bên đương sự trước đó. Chưa kể là khoản tạm ứng án phí họ phải nộp cho yêu cầu độc lập cũng như án phí nếu yêu cầu độc lập đó bị tòa bác.
Yêu cầu xét xử độc lập phải đặt trong tình huống và mong muốn cụ thể của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc áp đặt sẽ tạo điều kiện cho phép thẩm phán được “gợi ý” nội dung các yêu cầu đối với họ. Đương sự nếu không được trang bị sự hiểu biết cơ bản về trình tự thủ tục tố tụng sẽ rất dễ rơi vào thế bị động, thực hiện theo sự “dẫn dắt” một cách vô lý, thậm chí là bất thường nếu có tiêu cực.
Tôi nghĩ rằng TAND Tối cao cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề này để đảm bảo pháp luật tố tụng dân sự được vận dụng thống nhất, đúng đắn.
Để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, việc thực hiện yêu cầu xét xử độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của họ. Nghĩa là nếu họ chủ động có đơn yêu cầu và yêu cầu đó có liên quan đến vụ án, đến quyền lợi của họ trong vụ án thì tòa thụ lý, không thì thôi. Mặt khác, yêu cầu độc lập phải xuất phát từ tính cần thiết của nội dung yêu cầu và nên xem xét trong từng tình huống pháp lý cụ thể. Khi giải quyết, tòa phải chú ý đến tính chất ngay tình và quyền lợi đương nhiên của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… |
Luật sư HUỲNG TRUNG HIẾU, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa